Nền kinh tế Mỹ: Chu kỳ suy thoái tới gần

(ĐTCK) Đà tăng trưởng dài nhất trong lịch sử của nước Mỹ nhiều khả năng đã ngừng lại, mà yếu tố tác động trực tiếp chính là Covid-19.
Nền kinh tế Mỹ: Chu kỳ suy thoái tới gần

Nghe có vẻ bi quan khi nói về suy thoái, khi thị trường việc làm tại Mỹ vẫn rất tích cực. Thông báo mới nhất trong tuần này của Cơ quan Thống kê lao động cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 2/2020 ở mức 3,5%, gần mức thấp nhất 50 năm qua.

Tuy nhiên, suy thoái không hẳn là mọi chuyện trở nên cực kỳ tồi tệ, chỉ là khi nền kinh tế không thể hiện tốt như những gì đã trải qua, nhất là so với mức đỉnh.

Nếu nhìn lại các dữ liệu lịch sử, kinh tế Mỹ nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong tháng 2 sau chu kỳ tăng trưởng kéo dài kể từ tháng 6/2009 tới nay.

Ðiều này đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ đã leo dốc trong 128 tháng, mức dài nhất từng được ghi nhận kể từ khi Ủy ban Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1854.

Ðây không phải lần đầu tiên nước Mỹ rơi vào suy thoái mà không nhận ra. Vào mùa hè năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng trong năm đó và năm tiếp theo, dù suy thoái thực tế đã bắt đầu từ tháng 12/2007.

Thực tế này sau đó đã được NBER xác nhận.

Báo cáo việc làm tháng 2/2020 được công bố dựa trên khảo sát hộ gia đình và doanh nghiệp trong những tuần trước đó, cũng như số liệu tổng hợp năm trước, trong khi mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt kể từ đó tới nay.

Vào ngày 12/2, gần như chưa có ca bệnh Covid-19 được xác nhận tại Mỹ. Tới ngày 17/3, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận 3.487 ca dương tính, trong đó có 68 ca tử vong. Dịch bệnh lan rộng trên 49 bang.

Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất từ Viện Nghiên cứu công nghệ và xã hội Massachusetts cùng State Street Associates thực hiện cho thấy, nền kinh tế Mỹ dễ tổn thương hơn trước rủi ro suy thoái từ trước khi dịch bệnh bùng phát.

Trong tháng 1/2020, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng trong 6 tháng tới đã tăng lên khoảng 70%, ngay cả khi vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán đang tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, chứng khoán Mỹ đang trên “tàu lượn” với những phiên lao dốc chóng mặt, thậm chí có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987 tới nay.

Theo Will Kinlaw, giám đốc cấp cao và người đứng đầu Cambridge, đà giảm mạnh của chứng khoán khiến các doanh nghiệp thêm bi quan, nhà đầu tư chán nản và nhiều người trở nên nghèo hơn.

Với biến động giá chứng khoán hiện tại, khả năng nước Mỹ bước vào suy thoái tăng lên khoảng 75%. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục xuống dốc, xoá sạch thành quả tăng trưởng trong 12 tháng qua, khả năng suy thoái của nền kinh tế sẽ tăng lên 80%.

Không chỉ thị trường chứng khoán, các số liệu khác đều đang cho thấy chu kỳ suy thoái tới gần, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,8% trong tháng 1/2020 so với năm trước, theo số liệu mới nhất và con số tháng 2 dự báo sẽ không nhiều tích cực.

Trước đó, việc đường cong lãi suất đảo ngược cũng là một tín hiệu cho thấy suy thoái đã tới.

“Tại các thị trường tài chính, suy thoái không tới trong âm thầm, mà có những biện động dữ dội. Diễn biện hiện tại có thể chính là khởi đầu cho suy thoái sau chu kỳ tăng trưởng kéo dài”, John McClain, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Diamond Hill Capital Management chia sẻ.

Không riêng nước Mỹ, nền kinh tế toàn cầu cũng trong tình cảnh ngặt nghèo vì đại dịch. Goldman Sachs Group Inc và Morgan Stanley là những tổ chức mới nhất lên tiếng khẳng định, đại dịch Covid1-9 đã "bóp cò" cho suy thoái kinh tế toàn cầu lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Ðội ngũ của Morgan Stanley, đứng đầu là Chetan Ahya cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện tại là kịch bản nền tảng, với việc tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 0,9% trong năm nay.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục