Đại dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu kéo Mỹ vào vòng xoáy suy thoái

(ĐTCK) Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley đều chỉ ra, nền kinh tế Mỹ đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng nhiều năm và bước vào thời kỳ suy thoái, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc chiến giá dầu chưa có hồi kết.
Ảnh: AP. Ảnh: AP.

Chính thức rơi vào vòng xoáy suy thoái

Theo dự báo mới nhất của các chuyên gia tại Bank of America, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại đang ngày càng chứng tỏ đây rất có thể sẽ là cuộc đại suy thoái thảm khốc nhất trong lịch sử.

Ngay trong quý II tới, GDP của Mỹ sẽ giảm 12% - một kỷ lục kể từ Thế chiến thứ II, Bank of America và Oxford Economics có cùng nhận định. Không có gì bất ngờ, những lý do chính mà giới phân tích đưa ra là hoạt động kinh doanh lao dốc và chi tiêu tiêu dùng giảm sút do virus corona.

Chúng tôi chính thức tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào vòng xoáy suy thoái, gia nhập với phần còn lại của thế giới", Michelle Meyer, chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu tại Bank of America khẳng định.

Cũng giống như Bank of America, hai ngân hàng hàng đầu khác của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley cho rằng, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế riêng đã bước vào giai đoạn suy thoái.

Morgan Stanley coi sự suy giảm 0,9% trong tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay là một “kịch bản cơ bản”. Goldman Sachs thậm chí còn bi quan hơn khi dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 1,25% trong năm 2020. Trong năm 2019, kinh tế thế giới đã tăng trưởng 2,9%, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tương tự, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington cho biết, một phần ba nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoản, bao gồm cả ở Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Theo IIF, khủng hoảng sẽ kéo dài ít nhất cho đến hết quý II.

Một trong những trường kinh tế hàng đầu của Mỹ - UCLA Anderson cũng chỉ ra rằng, thực tế, nền kinh tế Mỹ đã ngừng tăng trưởng và chỉ có thể chờ đợi những chuyển biến tốt hơn vào cuối tháng 9. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II và  quý III sẽ lần lượt -6,5% và -1,9%. Trong khi suy thoái, nếu hiểu trên phương diện kỹ thuật, có nghĩa là GDP của một nước trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Như Bank of America nhấn mạnh, mức độ suy thoái và tốc độ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả của chính sách công.

"Fed cần tập trung vào việc bơm thanh khoản cho hệ thống tài chính, còn chính phủ liên bang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản trong các lĩnh vực còn lại", các nhà kinh tế Bank of America kêu gọi.

Thất nghiệp sẽ tràn lan trong những tháng tới

Theo ý kiến của bà Michelle Meyer, dịch bệnh đã tấn công vào hầu hết tất cả các lĩnh vực và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến thất nghiệp cao hơn, đồng thời thu nhập giảm mạnh. Trong quý II/2020, mỗi tháng Mỹ sẽ mất hơn 1 triệu việc làm. Đến cuối tháng 6, khoảng 3,5 triệu người sẽ mất việc ở tất cả các ngành, đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí, vận tải, kinh doanh khách sạn và bán lẻ.

Tuần trước số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng 70.000 lên mức 281.000 đơn, Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm 19/3 và khẳng định, tình trạng các doanh nghiệp sa thải nhân viên đang tăng cao khi đại dịch Covid-19 phá vỡ hoạt động kinh tế.

“Một cú sốc xuất hiện buộc người tiêu dùng phải tiêu ít tiền hơn, doanh nghiệp kiếm được ít lợi nhuận hơn và sau đó sa thải nhân công. Đây chính là tác động của vòng xoáy đi xuống trong hoạt động kinh tế”, Chris Rupki, chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank, nói.

Mặc dù vậy, theo ông Rupki, rất có thể, việc cắt giảm nhân sự chỉ là tạm thời và doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.  

“Tuy nhiên, khi nào dịch bệnh mới được kiểm soát? Không ai có thể chắc chắn. Nhà Trắng thừa nhận, cuộc chiến chống lại virus corona sẽ mất khoảng 18 tháng”, Chris Rupki cho biết.

Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ gặp phải vấn đề lớn như hiện nay, kể cả sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 hay trong cuộc đại suy thoái năm 2008. Thời điểm đó, thất nghiệp ở Mỹ đạt 10%, tuy nhiên hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, thất nghiệp có thể nhảy vọt lên 20% nếu chính quyền không có hành động quyết liệt để ngăn chặn tác động của đại dịch lên nền kinh tế.

Dầu đá phiến lao đao

Theo tờ The Hill, tranh chấp giữa Nga và Ả Rập Xê-út trên thị trường dầu mỏ giữa đại dịch Covid-19 cũng đang làm trầm trọng thêm tình hình của Mỹ. Rõ ràng, ngành công nghiệp đá phiến sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến giá dầu.

"Mặc dù lãnh đạo OPEC vẫn hy vọng, sự sụp đổ giá dầu sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để hòa giải hai đối thủ nặng ký trên thị trường là Nga và Ả Rập Xê-út, tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin, rõ ràng, sẽ không nhượng bộ nhanh chóng. Có vẻ như Nga đang lăm le chiếm thị phần của các công ty đá phiến Mỹ để đáp trả lệnh trừng phạt của Washington", Helima Croft, chiến lược gia hàng đầu tại RBC Capital Markets, nhận định.

Theo Helima Croft, các công ty đá phiến của Mỹ không giống như các công ty khai thác dầu khí của Ả Rập Xê-út và Nga. Với mức giá hiện tại, họ sẽ không thể tồn tại.

Công ty tư vấn Rystad Energy của Na Uy đưa ra nhận định, hầu hết các công ty khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đều không có lợi nhuận với mức giá 31 USD/thùng dầu WTI và việc khoan các giếng mới có thể gây rủi ro thua lỗ cho hơn 100 công ty. Chỉ có 4 công ty Exxon, Chevron, Occidental và Crownquest là vẫn có khả năng khoan các giếng mới và đạt lợi nhuận.

Đối với các giếng đã khoan nhưng chưa khai thác hết, tình hình có thể khả quan hơn với mức giá hòa vốn khoảng dưới 25 USD/thùng dầu WTI. Tuy nhiên hiện tại, cuốc chiến giá dầu cộng hưởng với đại dịch đã đẩy giá dầu WTI xuống chỉ còn giao dịch ở vùng giá 22 USD/thùng.

Việc ngành công nghiệp năng lượng lao đao và mất vị thế sẽ giáng tiếp một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục