Tiếp sức
Lượng xe hàng hóa nhập khẩu trong những ngày qua được thông quan lên tới 600-800 xe/ngày. Điều này giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước sớm nối lại nguồn cung nguyên liệu để kịp các đơn hàng xuất khẩu.
Cơ quan hải quan cũng hết sức tạo điều kiện cho hàng hóa được thông quan nhanh. Hải quan ở các cửa khẩu đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết các phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu, sắp xếp bến bãi; ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh những lô hàng có nguy cơ bị hỏng nếu chờ lâu.
Hầu hết cán bộ, công chức hải quan làm việc ngoài giờ với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Để tiếp sức doanh nghiệp, trong chỉ thị mới nhất của Bộ Công thương về thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong 6 tháng đầu năm đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước định giá, trong đó có giá điện.
Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Bộ Tài chính đánh giá, hầu hết ngành nghề, lĩnh vực, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chịu tác động bởi Covid-19. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thêm 5 tháng việc nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các đối tượng được gia hạn là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất giày, dép, sản xuất sản phẩm từ cao su, sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô.
Ở góc độ vi mô, mỗi doanh nghiệp đều đã có những giải pháp ngắn hạn để ứng phó với khó khăn. Sự chủ động của các doanh nghiệp ngay từ chiến lược dịch chuyển và đảm bảo nguồn cung sẽ góp phần quyết định vào nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, Covid-19 đã giúp nhìn ra những điểm yếu của nhiều ngành sản xuất, rộng ra với cả nền kinh tế, từ đó tự thân mỗi doanh nghiệp phải tự xoay xở, ứng phó.
Tại thời điểm này, 15 doanh nghiệp thuộc Hugaco lác đác vẫn có những đơn vị thiếu việc do cạn nguyên liệu. Nhưng hiện thông quan hàng hóa đã được cải thiện, nên cuối tháng 3, đầu tháng 4, nguyên phụ liệu về nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ không bị gián đoạn sản xuất ở một số phân xưởng.
Hy vọng của các doanh nghiệp như Hugaco là có cơ sở, bởi chính quyền tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã cho phép các doanh nghiệp tại Vũ Hán hoạt động.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG cho biết, từ trước tới nay, Công ty luôn ở trong tình trạng chủ động nguyên liệu sản xuất tại chỗ ở mức cao nhất. Với lợi thế là các đơn hàng sản xuất FOB chiếm đại đa số, đến thời điểm hiện tại, TNG vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và đảm bảo đủ cho sản xuất tới hết quý II năm 2020 và đang có kế hoạch chuẩn bị cho đơn hàng quý III/2020.
Các khách hàng cùng với TNG đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu sớm và nhập khẩu từ Pakistan hay nguồn nguyên liệu thay thế trong nước như nhà cung cấp nguyên liệu Trần Hiệp Thành, SY VINA, Huge Bamboo, Formosa Long An… nên TNG vẫn duy trì sản xuất ổn định.
Chưa tính chuyện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh
Những khó khăn của dịch Covid-19 sẽ rõ hơn với các doanh nghiệp sau quý I, thậm chí hết tháng 4/2020. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm, vẫn có những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đáng ghi nhận.
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG cho biết, mặc dù thị trường chung bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song tổng kết 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu của TNG vẫn đạt gần 560 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, đến thời điểm này, đơn hàng cho năm 2020 rất tốt. Nhiều khách hàng truyền thống của Công ty như Decathlon (Pháp) tăng 29% so cả năm 2019, Spormaster (Nga) tăng 73% so cả năm 2019… Các khách hàng đều đề nghị tăng đơn hàng, chẳng hạn, Spormaster của Nga đề nghị năm 2020, TNG phải tăng giá trị đơn hàng lên 15-20 triệu USD, gấp 3 lần so với mức hiện nay, tức là bằng giá trị công suất 1 nhà máy.
Ông Thời cho biết, năm 2020, Công ty dự kiến kế hoạch doanh thu khoảng 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.
Với Hugaco, ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng, khó khăn là khó chung, Hugaco chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. “Đã sản xuất, kinh doanh là phải có tăng trưởng, dù biết là thị trường đang rất khó, nên doanh nghiệp phải nỗ lực, phải ép bằng mọi cách đã. Chúng tôi đang xem xét, nếu tháng 6 hết dịch, mà thị trường tốt lên, khả năng 6 tháng cuối năm bù được thì không điều chỉnh, còn trong trường hợp kinh doanh không thuận thì mới phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng”, ông Dương nói.