Riêng quý II/2018, năm thành viên VAMM gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM bán ra 783.940 xe, tăng 6,1% so với ba tháng trước đó.
Những số liệu này cho thấy thị trường xe máy Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa dù mức tăng trưởng không cao trong vài năm trở lại đây.
Nửa năm 2018 trôi qua, thị trường xe máy không mấy sôi động khi một vài sản phẩm mới ra mắt. Đáng kể là Honda Future 2018, Vespa Sei Giorni giá gần 200 triệu, xe ga cỡ lớn Kymco AK550 giá 375 triệu, xe ga cho phái nữ SYM Abela 110. Các hãng còn lại sử dụng cách hâm nóng quen thuộc bằng những phiên bản kỷ niệm hoặc bổ sung màu mới.
Hai quý đầu 2018 cũng chứng kiến thị trường xe côn tay và môtô ấm dần lên khi Honda chính thức gia nhập phân khúc này. Tuy nhiên, hãng xe Nhật chỉ bán các mẫu xe 500 phân khối trở lên, giá thấp nhất 172 triệu đồng.
BMW Motorrad sau khi về tay Trường Hải công bố giá mới, từ 189 triệu đồng với nhiều dòng xe giảm giá đáng kể so với lúc còn thuộc Euro Auto. Bên cạnh đó là hãng xe Thái Lan GPX Racing với các mẫu xe kiểu dáng môtô, mức giá cạnh tranh cũng gia nhập thị trường hồi tháng 5/2018.
Xe máy vẫn là "mỏ vàng" của nhiều hãng tại Việt Nam dù nhu cầu của khách hàng được đánh giá đang tiến tới ngưỡng bão hòa.
Doanh số thị trường xe máy theo kiểu "nước chảy chỗ trũng" khi Honda và Yamaha tạo ra ưu thế áp đảo, chiếm khoảng 85% thị phần.
Không xuất hiện tình trạng độc quyền nhưng thị hiếu người dùng đóng đinh ở một vài hãng, sản phẩm khiến giá xe tại các đại lý biến động, thường xuyên đội giá bán ở các mẫu xe hút khách.
Ở khía cạnh sở hữu ôtô, kỳ vọng giá xe giảm trong 2018 của người Việt vẫn chưa hiện hữu.
Không những không giảm, nhiều sản phẩm xe nhập khẩu lẫn lắp ráp tăng giá vì lý do khan hàng, hoặc hãng điều chỉnh chiến lược bán hàng để đạt mục tiêu lợi nhuận.
Với hạ tầng giao thông và mặt bằng giá ôtô hiện tại, sở hữu xe máy vẫn là lựa chọn đơn giản, thực tế hơn đối với phần đông người Việt.