Hơn 100 triệu USD mỗi tháng
Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 560-570 triệu USD, trung bình mỗi tháng là hơn 100 triệu USD. Nguồn cung thịt nhập khẩu tăng mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng cũng tạo áp lực cho tiêu thụ nguồn thịt sản xuất trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 5/2021, giá lợn hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện giá lợn hơi dao động khoảng 64.000 - 72.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2021 và giảm từ 25.000 đến 29.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn, trong khi nguồn cung được đảm bảo do người chăn nuôi dần phục hồi đàn.
Thực tế, giá lợn hơi có xu hướng giảm từ quý I/2021 do nguồn cung thịt được bổ sung từ việc tái đàn của các địa phương và thịt nhập khẩu về nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt.
Giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn cao. Cụ thể, tại các chợ dân sinh, thịt ba chỉ có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, sườn thăn là 150.000 - 160.000 đồng/kg, sụn 170.000 - 180.000 đồng/kg… Còn tại các siêu thị lớn, giá thịt lợn cao hơn giá thịt nhập khẩu từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, giá thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam giảm gần 10% so với cùng kỳ, mức giá trung bình của tháng 4 là 2.212 USD/tấn. Tính trung bình mỗi kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá hơn 2,2 USD/kg (chưa tính thuế, phí), tương đương hơn 50.000 đồng/kg.
Xu hướng tiêu dùng thịt nhập khẩu còn tăng
Thịt nhập khẩu nhiều, phong phú về chủng loại, giá cạnh tranh, đóng gói tiện lợi, đầy đủ xuất xứ đã thúc đẩy xu hướng sử dụng thịt ngoại ở một bộ phận người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp giờ đã nhập nhiều thịt tươi, chứ không chỉ là thịt đông lạnh như một số năm trước đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 66.700 tấn, trị giá 127 triệu USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 66% về trị giá so với tháng 4/2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 236.000 tấn, trị giá 464,5 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng qua, trong 236.000 tấn thịt được nhập khẩu, thì thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 51.150 tấn, trị giá 116,5 triệu USD, tăng 118% về lượng và tăng 112,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Ba Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Nếu trước đây, địa chỉ tiêu thụ thịt nhập khẩu thường là bếp ăn trong các khu công nghiệp, nhà hàng, dịch vụ…, thì hiện nay, các hộ tiêu dùng cá nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm thịt nhập khẩu, tạo nên sự gia tăng tiêu thụ đáng kể.
Mặc dù theo cam kết trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thuế nhập khẩu thịt đều có lộ trình giảm tương đối dài, thậm chí trên 10 năm mới về 0% sau khi hiệp định có hiệu lực, nhưng lượng thịt nhập từ các quốc gia thành viên của các hiệp định này vẫn gia tăng.
Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ về 0% sau 7 năm Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu các loại thịt lợn khác về 0% sau 9 năm, thịt gà bỏ thuế hoàn toàn sau 10 năm, thịt bò là 3 năm. Tuy nhiên, EVFTA có hiệu lực chưa đầy năm, thì thịt từ các quốc gia EU như Ba Lan, Đức… đã gia tăng nhập về Việt Nam.
Với CPTPP, thuế nhập khẩu được xóa bỏ vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi và vào năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh. Nhưng thực tế, thịt lợn nhập khẩu từ Canada, Australia, Mexico đã ùn ùn về Việt Nam.
Việt Nam cũng được lợi khi nhập khẩu thịt từ Nga theo Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu bởi thuế với nhiều sản phẩm thịt đã về 0% từ 3 năm nay. 4 tháng qua, Nga là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, với 22.140 tấn, trị giá 59,99 triệu USD, tăng 708,3% về lượng và tăng 369% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tác động của EVFTA, CPTPP, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất lớn bởi Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh, song ở một số ngành nghề, sản phẩm hàng hóa (như ngành chăn nuôi lợn, gia cầm; các mặt hàng xuất khẩu nông sản…) chưa tốt, giá thành sản phẩm cao hơn các nước thành viên CPTPP. Có tình trạng này là do quy mô sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, áp dụng tiến bộ khoa học hạn chế, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.