Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2020 (tính đến ngày 13/4/2020), Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó nhập khẩu từ Canada 24,59%, Đức 19,32%, Ba Lan 14,14%, Braxin 9,50%, Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, LB Nga 4,04%...
Cục Thú y cũng thông tin, đế thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam. Hiện tại có 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam
Về số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn thay đổi theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh và tình hình thị trường.
Trong năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2018), trong đó có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.
Ngoài thịt lợn, nước ta cũng tăng nhập khẩu các loại thịt trâu bò và thịt gia cầm. Riêng thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò, tính đến ngày 13/4, đã nhập khẩu hơn 37.104 tấn thịt trâu bò, trong đó thịt bò tăng khoảng 200% và thịt trâu tăng 135% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt trâu nhập khẩu 99,6% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Úc 52,23%, Hoa Kỳ 29,62%, LB Nga 5,53%. Canada 3,90%...
Còn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn; tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ 65,09%, Hàn Quốc 14,07%, Braxin 9,90%, Ba Lan 3,56%, Hà Lan 4,44%, LB Nga 0,35%....
Sáng 21/4, kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng nêu rõ khả năng hoàn toàn kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay; yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn hơi về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg.
Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. "Chúng ta động viên các doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý".
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.