Nhà Trắng hôm 2/4 chỉ trích Trung Quốc "gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu" khi tăng thuế nhập khẩu 15-25% với 128 sản phẩm Mỹ.
Đây được coi là biện pháp trả đũa của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 23/3 áp thuế 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% với thép nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Derek Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng tình hình hiện nay mới chỉ là một cuộc đấu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi gói thuế 50 tỷ USD của Mỹ và 3 tỷ USD đáp trả của Trung Quốc chưa phải là nhiều so với quy mô nền kinh tế hàng nghìn tỷ USD của mỗi nước.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là những gì sẽ diễn ra tiếp theo, khi hai quốc gia tiếp tục tung ra những đòn đáp trả lẫn nhau và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo NYDailyNews.
Nước Mỹ trên hết
"Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ dàng giành chiến thắng", Tổng thống Trump, người chưa từng phát động cuộc chiến thương mại nào, viết trên Twitter trước khi ký lệnh áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đây là hành động quyết liệt của Trump nhằm hoàn thành lời hứa tranh cử thi hành chính sách kinh tế "Nước Mỹ trên hết".
Trong quá trình vận động cử tri, Trump đã cáo buộc Trung Quốc là quốc gia ăn cắp sở hữu trí tuệ và thao túng đồng tiền, cho rằng Trung Quốc là thủ phạm khiến các nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa, công nhân mất thu nhập và việc làm.
Tổng thống Trump hứa hẹn việc áp thuế với Trung Quốc sẽ là bước đầu tiên trong nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước.
Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường Mỹ, khi gần 89% thặng dư thương mại hàng hóa của Bắc Kinh năm 2017 là có được từ thị trường này.
Theo họ, nền kinh tế Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Năm 2017, giá trị nền kinh tế Mỹ cao hơn đối thủ gần 7 nghìn tỷ USD và sức tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng mạnh mẽ hơn trong khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Trong khi các chuyên gia kinh tế Mỹ rất tự tin vào thắng lợi của nước này trong cuộc chiến thương mại với đối thủ, cảm giác tương tự cũng tràn ngập trong dư luận Trung Quốc suốt những ngày qua.
Global Times, phụ san của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, lập luận rằng xã hội Trung Quốc đoàn kết hơn Mỹ khi đối diện với nguy cơ chiến tranh thương mại, giúp họ có cơ hội chiến thắng cao hơn.
"Hầu hết người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ mọi biện pháp đáp trả mà chính phủ đưa ra, vì họ biết rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Nước Mỹ thì đang chia rẽ vì vấn đề này, phe đối lập sẽ trỗi dậy khi Mỹ hứng chịu thêm thiệt hại từ chiến tranh thương mại", bài xã luận trên Global Times viết.
Táo nhập khẩu từ Mỹ được bày bán trong một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.
Nhiều cựu quan chức và người dùng mạng Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi chính phủ áp thuế nặng hơn nữa đối với các mặt hàng của Mỹ, vì cho rằng gói thuế 3 tỷ USD là "chưa thấm vào đâu" so với gói 60 tỷ USD mà Trump đưa ra.
Bình luận viên Isabella Beham của ValueWalk cho rằng dù chứa đựng giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, bài viết của Global Times đã điểm trúng một yếu huyệt nội tại trong nền chính trị Mỹ hiện nay. Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Trump chưa làm được nhiều để thu hẹp sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ.
Hậu quả
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn chưa nổ ra, người dân Mỹ đã phải hứng chịu những hậu quả đầu tiên. Người Mỹ đã quen với việc sử dụng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thế nên việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt tại Mỹ.
"Nếu thuế suất với hàng dệt may Trung Quốc tăng, sinh hoạt phí ở Mỹ sẽ tăng theo, Cục Dự trữ Liên bang do đó sẽ tăng lãi suất, khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và tạo ra thất nghiệp", Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, giải thích.
Nông dân Mỹ cũng bị ảnh hưởng lớn từ cuộc tranh chấp thương mại. Chẳng hạn như ở hạt Marathon thuộc bang Wisconsin, 140 gia đình trồng nhân sâm sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ đòn trả đũa của Trung Quốc.
85% sản lượng nhân sâm trị giá 30 triệu USD của hạt này được xuất sang Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, hạt Marathon tổ chức lễ hội nhân sâm quốc tế, thu hút nhiều du khách tới từ Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.
Với việc Trung Quốc áp mức thuế mới 15% với mặt hàng nhân sâm, cuộc sống của nhiều người dân hạt Marathon sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. "Đây là sinh kế của rất nhiều người. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng mức thuế đó sẽ được dỡ bỏ", Jackie Fett, chủ tịch Hội đồng Nhân sâm Wisconsin, nói.
Nếu căng thẳng leo thang, Trung Quốc có thể tiếp tục nhắm vào những mục tiêu dễ tổn thương hơn ở Mỹ, trong đó có các nông dân trồng đậu nành, những người đã xuất sang Trung Quốc 12,4 tỷ USD sản phẩm trong năm ngoái.
Nông dân trồng đậu này ở Mỹ có thể chịu thiệt hại lớn nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Ảnh: MSA.
Brent Bible, người trồng đậu nành và ngô ở Lafayette, Indiana, đã xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi chính quyền Trump tránh gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc. "Chúng tôi mới là người mắc kẹt giữa hai làn đạn", ông nói.
Trong tình cảnh đó, khả năng đoàn kết của người dân Mỹ đằng sau nỗ lực của Tổng thống Trump sẽ là câu hỏi lớn, khi họ phải đánh đổi bằng chi phí sinh hoạt và nhu cầu mưu sinh thiết yếu của mình, Beham nhận định.