Sau quyết định áp thuế lên sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến thêm một bước mới theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” của mình, với hành động nhắm trực tiếp tới Trung Quốc.
Cụ thể, ông Trump cho biết đang yêu cầu đánh thuế bổ sung vào hơn 100 loại hàng hóa khác nhau nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị lên tới khoảng 50 tỷ USD. Mức đánh thuế sẽ dựa trên thiệt hại của kinh tế Mỹ do hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc gây ra, dự báo vào khoảng 25%.
Với diễn biến này, chính quyền Đại lục đã có hành động đáp trả đầu tiên, khi công bố đánh thuế lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu, chính quyền Bắc Kinh sẽ đánh thuế 25% đối với thịt lợn và nhôm tái chế nhập khẩu từ Mỹ, cũng như 15% thuế đối với ống thép, hoa quả và rượu vang.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây mới chỉ là màn dạo đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến mà nước Mỹ khơi mào.
“Phản ứng mới nhất của Trung Quốc còn rất khiêm nhường so với hành động của Mỹ. Bởi vậy, mọi chuyện sẽ còn tiếp diễn với quy mô, mức độ lớn hơn. Với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời là chủ nợ nước ngoài lớn nhất sở hữu trái phiếu Mỹ, Trung Quốc có nhiều quyền năng hơn so với những gì Mỹ có trong tay”, Stephen Roach, cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á, hiện là hội viên Đại học Yale nhận định.
Thực tế, cuối tuần trước, Chen Fuli, người đứng đầu bộ phận luật và hiệp ước thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra thông báo, bản kế hoạch toàn diện bao gồm các hành động đối phó với biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ đang được chuẩn bị. Bên cạnh đó, ông Chen Fuli cho biết thêm, chính phủ Trung Quốc không có cuộc đối thoại nào với Mỹ về vấn đề này, bởi đây là hành động đơn phương không tuân theo các quy định của WTO.
Dù chưa được công bố, nhưng các thành viên thị trường đã phần nào nhận diện được những “nạn nhân” tại Mỹ trong bản kế hoạch của Trung Quốc và đó đều là những trụ cột của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã nhắc tới Boeing Co như là một trong những mục tiêu của cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia. Trong chuyến thăm năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao tặng Boeing các đơn đặt hàng trị giá 38 tỷ USD và chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn có thể chuyển những đơn hàng này sang Airbus để đáp trả động thái của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong mọi cuộc chiến thương mại, nông nghiệp luôn là lĩnh vực ở tuyến đầu, đồng thời cũng là nơi dễ tổn thương nhất. Trong trường hợp này, ngành nông nghiệp của Mỹ càng chịu áp lực lớn hơn khi là một trong số ít lĩnh vực Mỹ có thặng dư thương mại so với Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc là khách hàng mua đậu nành lớn nhất của Mỹ, với giá trị khoảng 14,6 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm hơn 1/3 toàn bộ sản lượng.
Nếu như biện pháp bảo hộ mới nhất của Mỹ là nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ, thì điều này không có nghĩa thung lũng Silicon sẽ được bảo vệ khỏi trận chiến. Thực tế, Apple Inc, Inter Corp và Cisco Systems Inc là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ chịu ảnh hưởng lớn nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp bảo hộ tương tự điều Mỹ đang làm.
Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, đồng thời là khách hàng tiêu tụ lớn nhất chip cho điện thoại của Qualcomm. Theo Loup Ventures, nếu Trung Quốc đánh thuế vào các sản phẩm công nghệ tương tự như Mỹ, 15% hoạt động kinh doanh của Apple sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các nhà kinh tế cho biết, tác động của các loại thuế mà Mỹ thông báo cho tới nay khá hạn chế đối với Trung Quốc. Việc Mỹ đánh thuế 25% lên giá trị 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ làm thay đổi khoảng 2,9% giá trị xuất khẩu từ Đại lục sang Hoa Kỳ, theo nhóm chuyên gia kinh tế tại JPMorgan.