Người giàu vẫn đang chứng tỏ “sức mạnh” giữa khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi chúng ta đang chuẩn bị tinh thần cho cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sắp diễn ra, vẫn có nhóm cá nhân không ngừng mua sắm – đó là bộ phận những người giàu có bậc nhất.

Doanh thu bán lẻ đi xuống năm 2022 và thị trường chứng khoán giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, chi tiêu cho các hàng hoá xa xỉ và trải nghiệm đắt đỏ tăng trưởng tương ứng trong cùng khoảng thời gian.

Theo số liệu từ nghiên cứu của Bain & Company, quy mô thị trường hàng hoá xa xỉ (bao gồm quần áo, túi xách, trang sức…) đã đạt mức 1,38 nghìn tỷ USD năm 2022, với động lực chính tới từ người tiêu dùng Gen Z (những người sinh ra trong khoảng 1997 – 2012) và Gen Y (thế hệ sinh trong khoảng 1980 – 1994).

“Sức tiêu dùng của Gen Z và thậm chí là thế hệ trẻ hơn nữa – Gen Alpha (sinh từ sau năm 2010) tăng trưởng nhanh gấp 3 lần các thế hệ trước đó cho tới năm 2030”, báo cáo của Bain & Company nhận định.

Đáng chú ý, thành tựu này của thị trường hàng hoá cao cấp lại không tới từ Trung Quốc, bởi quốc gia này duy trì tình trạng giãn cách chống dịch Covid-19 trong gần cả năm. Người tiêu dùng tại Mỹ dẫn đầu xu hướng, khi những cá nhân giàu có sẵn sàng rót rất nhiều tiền để mua sắm trang sức, đồng hồ, túi xách và các tour du lịch đẳng cấp.

Các chuyên gia tại thị trường hàng hoá xa xỉ cho biết, lượng tài sản mà các cá nhân giàu có thu về trong 2 thập kỷ qua nhiều tới nỗi mức giảm hơn 20% của thị trường chứng khoán cũng chỉ là một “cái búng tay” so với nhóm này. Top 5 cá nhân giàu nhất thị trường hiện đóng góp tới 40% lượng doanh số bán hàng cao cấp, theo Milton Pedraza, CEO Luxury Institute.

Một con số thống kê ấn tượng khác là việc nhóm người giàu có sẽ có nhiều thời gian hơn để tiêu xài, theo đúng nghĩa đen, khi tuổi thọ của nhóm này cao hơn khoảng 10 năm so với nhóm thu nhập thấp hơn, nhờ vào các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng và nghỉ ngơi tốt hơn.

Nhóm giàu có không chỉ sống lâu hơn, mà còn ngày càng xuất hiện nhiều hơn, bởi quá trình tích luỹ tài sản lâu dài. Claudia D’Arpizio, đối tác của Bain & Company chia sẻ, sau khoảng nửa thế kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm người giàu có xuất hiện nhiều hơn tại các quốc gia đang phát triển. Chưa kể, nhờ quá trình tích luỹ lâu dài, hiện tại, chúng ta đang chứng kiến 5 thế hệ người tiêu dùng mua các sản phẩm sang chảnh từ các thương hiệu như Louis Vuitton, Hermes, Chanel…

Các thương hiệu xa xỉ cũng nắm bắt được mọi biến động của thị trường và tập trung vào chiến lược hiện đang hiệu quả nhất: Đẩy mạnh bán hàng đối với nhóm khách hàng giàu có, thay vì cố gắng mở rộng thêm nhiều tệp khách hàng. Ngành hàng cao cấp tăng trưởng chủ yếu bằng giá trị sản phẩm, thay vì số lượng. Theo đó, thương hiệu xa xỉ không cần bán nhiều, mà cần bán lượng sản phẩm ít nhưng giá trị đơn hàng cao, hướng đến tệp khách hàng nhỏ đủ khả năng chi trả.

Xu hướng tiêu dùng này kéo dài tới khi nào? Theo một số chuyên gia, có thể khi lạm phát tăng trưởng ở tốc độ cao hơn, việc mạnh tay chi tiêu tại thị trường hàng xa xỉ sẽ đi xuống và tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng chuyển động cùng hướng.

Tư Thuần
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục