Những lo ngại về vấn đề hạn chế khí đốt sau xung đột Nga-Ukraine đã tan biến đối với các nhà sản xuất hóa chất, kim loại và thủy tinh của nước này trong bối cảnh nhiệt độ ôn hòa và Đức hoàn thành kho cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên. Các công ty cũng chuyển sang mua khí đốt và điện trên thị trường giao ngay thay vì các thỏa thuận dài hạn đã gặt hái được nhiều lợi ích.
Christopher Profitlich, phát ngôn viên của SKW Piesteritz GmbH cho biết: “Giá năng lượng thấp hơn đáng kể đối với chúng tôi sau khi công ty đã buộc phải ngừng sản xuất amoniac hóa chất cơ bản vào năm ngoái sau khi giá khí đốt tăng cao. Các máy móc của chúng tôi đều đang hoạt động và tất cả nhân viên sản xuất của chúng tôi đã hoạt động trở lại”.
Chính sách xoay trục của Đức nhằm loại bỏ khí đốt của Nga đang được đền đáp. Chính phủ đã gấp rút khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường, đẩy mạnh nhập khẩu vào châu Âu lên mức cao kỷ lục và giữ cho các kho lưu trữ gần đầy trong suốt đầu mùa đông. Nước này cũng đã nhanh chóng xây dựng các kho cảng LNG.
Wolfgang Große Entrup, người đứng đầu hiệp hội ngành hóa chất VCI của Đức cho biết: “Có vẻ như nguy cơ buộc phải phân phối khí đốt đã biến mất trong mùa đông này. Nhưng giá sẽ cần phải ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn để hầu hết các công ty thấy được sự khác biệt thực sự”.
Giá khí đốt tăng cao đã buộc nhiều công ty trong lĩnh vực công nghiệp phải hạn chế sản lượng. Các nhà sản xuất lớn bao gồm nhà sản xuất ô tô Volkswagen AG và công ty hóa chất khổng lồ BASF đã vạch ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn do Nga đã ngừng cung cấp khí đốt trực tiếp kể từ tháng 9.
Mặc dù giá đã bắt đầu giảm, nhưng chúng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang tháng 2/2022. Nhằm đối phó với cú sốc về giá, các công ty cho biết khách hàng trong nhiều trường hợp đã chuyển sang nơi khác, chẳng hạn như tìm nguồn cung ứng các bộ phận nhôm từ Mỹ hoặc châu Á.
Marius Baader, Giám đốc điều hành của Aluminium Deutschland cho biết: “Cảm giác về ngày tận thế đã tan biến. Nhưng vẫn chưa có lý do gì để ăn mừng cả”.
Lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm bớt. Các nhà kinh tế đã dự đoán một cuộc suy thoái trong tháng 9 sau khi các thước đo về niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống và các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng báo hiệu sự sụt giảm sản lượng. Bây giờ nền kinh tế rộng lớn hơn dường như đang đi ngang thay vì thu hẹp lại.
Matthias Frederichs, người đứng đầu hiệp hội các nhà sản xuất vật liệu xây dựng BV cho biết: “Tình hình cung cấp năng lượng ổn định hiện nay đảm bảo rằng sản xuất được đảm bảo trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm".