Khủng hoảng năng lượng sẽ kích hoạt sự thu hẹp của khu vực đồng euro vào năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Financial Times, nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ thu hẹp vào năm tới do lạm phát cao và tình trạng thiếu năng lượng tiềm tàng kéo theo sản lượng giảm.
Khủng hoảng năng lượng sẽ kích hoạt sự thu hẹp của khu vực đồng euro vào năm 2023

Gần 90% trong số 37 nhà kinh tế mà Financial Times khảo sát nhận định rằng khu vực đồng euro đã suy thoái và phần lớn dự báo tổng sản phẩm quốc nội sẽ giảm trong cả năm tới.

Chiara Zangarelli, nhà kinh tế tại Morgan Stanley cho biết: “Thị trường khí đốt ở châu Âu vẫn là một rủi ro chính. Sự gián đoạn nguồn cung bổ sung, hoặc một mùa đông đặc biệt lạnh giá có thể dẫn đến căng thẳng mới và giá cả tăng trở lại dẫn tới việc buộc phải thực hiện một vòng thích ứng khác và phá hủy nhu cầu”.

Hầu hết các nhà kinh tế nhận định rằng, châu Âu đã qua thời kỳ khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine gây ra. Một mùa thu dễ chịu đã tạo điều kiện các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên hoạt động gần hết công suất.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại viễn cảnh phân phối năng lượng có thể quay trở lại vào năm tới, đặc biệt nếu mùa đông năm nay lạnh bất thường, làm cạn kiệt nguồn cung cấp hoặc nếu dòng khí đốt từ Nga tiếp tục giảm trong năm 2023.

Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại S&P Global Ratings cho biết: “Châu Âu có thể tránh được rủi ro về việc phân phối khí đốt trong mùa đông này, nhưng câu hỏi về nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới vẫn còn bỏ ngỏ”.

Các nước châu Âu đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách chuyển hướng sang Na Uy, Mỹ và Trung Đông, cùng với việc chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế. Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu không có nguồn cung cấp từ Nga, việc nạp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt quan trọng của châu Âu trước mùa đông tới sẽ khó khăn hơn nhiều.

Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Ngân hàng ING cho biết: “Mức dự trữ khí đốt đang giảm nhanh chóng. Vẫn có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong mùa đông này. Hơn nữa, mùa đông tới sẽ còn nhiều thách thức hơn”.

Sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế và lãi suất cao hơn đáng kể trên khắp châu Âu cũng được cho là sẽ gây ra sự đảo chiều mạnh mẽ trong thị trường nhà đất của khu vực. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 2,5% trong suốt năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2023.

Trung bình, các nhà kinh tế dự báo giá nhà ở khu vực đồng euro sẽ giảm 4,7% trong năm tới. Maria Demertzis, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Bruegel cho biết, giá nhà “sẽ không tiếp tục tăng nếu chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái và lãi suất tăng”.

Các nhà kinh tế mà Financial Times khảo sát dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ giảm chỉ dưới 0,01% vào năm tới. Dự báo này bi quan hơn cả Ủy ban châu Âu và ECB, vốn dự đoán nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng lần lượt là 0,3% và 0,5% trong năm tới.

Marcello Messori, giáo sư kinh tế tại Đại học Luiss ở Rome cho biết, việc ECB tiếp tục tăng lãi suất để chống lại “lạm phát quá mức” gây ra bởi cú sốc cung năng lượng bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine sẽ “dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở khu vực đồng euro”.

Theo các nhà kinh tế, lạm phát ở khu vực đồng euro dự kiến sẽ duy trì trên mục tiêu 2% của ECB trong ít nhất hai năm nữa. Trung bình, những nhà kinh tế tham gia khảo sát kỳ vọng giá chỉ tăng hơn 6% vào năm tới và khoảng 2,7% vào năm 2024.

Những dự báo đó thấp hơn so với dự báo của ECB khi trước đó, vào đầu tháng này, ECB đã dự đoán mức tăng giá sẽ trung bình là 6,3% trong năm tới và 3,4% vào năm 2024.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục