Người chế máy phát điện đè bẹp sản phẩm “toàn cầu”

Là chủ doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chế tạo thành công máy phát điện công suất 2.500 KVA, với giá rẻ hơn 30% so với hàng ngoại nhập đã giúp ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, tự tin thắng thầu cung cấp máy phát điện cho nhiều dự án đầu tư công. 
Ông Trần Thành Trọng bên “đứa con tinh thần”, tổ máy phát điện công suất cực đại 2.500 KVA Ông Trần Thành Trọng bên “đứa con tinh thần”, tổ máy phát điện công suất cực đại 2.500 KVA

1 Cuối tháng Hai năm nay, sự cố cúp điện xảy ra đúng lúc lễ ra mắt Thành phố mới Bình Dương đang được truyền hình trực tiếp. Sau vài lần “chớp tắt”, khoảng 10 phút sau, Ban tổ chức phải chuyển qua máy phát điện dự phòng để tiếp tục sự kiện. Tiếp tục trong những ngày sau đó, trong khi chờ cơ quan chức năng tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố, Trung tâm Hành chính tập trung tiếp tục phải dùng máy phát điện dự phòng. 

Ít người biết “người hùng thầm lặng” giúp giải quyết sự cố trên là máy phát điện mang nhãn hiệu SBMPOWER công suất 2.500 KVA của Công ty cổ phần Sáng Ban Mai.

Sau sự kiện này, tiếng tăm của Sáng Ban Mai nổi như cồn và lần lượt, Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng đặt mua 2 máy phát điện công suất 1.500 KVA; Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Hà Nội) đặt mua 5 máy loại công suất 1.000 KVA…

“Trước đây, những đơn vị này hầu như sử dụng máy phát điện nhập ngoại”, ông Trần Thành Trọng nói và cho biết, ngay cả các nhà thầu ngoại cũng nói với ông, Việt Nam khó có thể sản xuất được loại máy công suất lớn từ 1.000 KVA. Khi đó, ông Trọng tự tin khẳng định, không những sản xuất được mà loại máy công suất 1.500 KVA, 2.500 KVA do công ty ông sản xuất vẫn “ngon lành” sau thời gian dài hoạt động.

Hiện tại, mỗi năm, Sáng Ban Mai cung cấp ra thị trường khoảng 300 máy phát điện công suất lớn. Năm 2013, Công ty đạt doanh thu 800 tỷ đồng, với mức tăng trưởng khoảng 30%. Hiện Sáng Ban Mai là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam có khả năng sản xuất máy phát điện công suất 2.500 KVA (công suất lớn nhất thế giới).

Ít người biết, để có tiếng tăm như ngày hôm nay, ông Trần Thành Trọng đã phải vượt qua không ít thử thách khắc nghiệt.

Bước ngoặt lớn đối với Sáng Ban Mai là khi được Bộ Công thương công nhận là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có sản phẩm máy phát điện công nghiệp công suất lớn đến 1.100 KVA là sản phẩm Việt Nam đã sản xuất được theo Quyết định 3695/QĐ-BCT nhằm thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Theo ông Trọng, điều này giúp Công ty thắng thầu nhiều dự án đầu tư công sau này. Cũng cần phải nói thêm, để có được quyết định trên, ông Trần Thành Trọng đã thuyết phục và nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, khi đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung Tổ máy phát điện công suất từ trên 75 KVA đến 2.500 KVA của Sáng Ban Mai vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.    

2 Năm 1996, ông Trần Thành Trọng tốt nghiệp ngành điện tại Đại học Bách khoa TP.HCM. Ngay từ khi khởi nghiệp, ông cùng các cộng sự đã tự bỏ tiền túi mua một chiếc máy phát điện về tháo ra mày mò nghiên cứu và thấy rằng, có thể mua thiết bị về sản xuất được loại máy này, không nhất thiết phải nhập khẩu.

Năm 2001, ông Trọng làm giám đốc thuê cho Công ty Ban Mai. Ông chủ doanh nghiệp này vì lý do sức khỏe đã bán lại doanh nghiệp cho ông và ông Trọng đổi tên thành Sáng Ban Mai. Cái khó nhất trong kinh doanh khi mới tiếp quản Công ty, theo ông Trọng, là tâm lý chuộng hàng ngoại, nên dù đã sản xuất được máy phát điện, nhưng Sáng Ban Mai không dám công khai nhà máy, công khai thiết bị nhập khẩu, vì sợ không có ai mua.  

“Khi đó, thay vì chọn khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, Công ty Sáng Ban Mai quyết định chiến lược kinh doanh là tập trung vào khách hàng tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, ông Trọng cho biết. Đến thời điểm năm 2007-2009, ngành chăn nuôi ở Việt Nam phát triển mạnh. Toàn bộ hệ thống trang trại nuôi gia công cho Tập đoàn CP (Thái Lan), Tập đoàn Japfa (Indonesia) đều rất cần máy phát điện. Cơ may đến với Sáng Ban Mai, khi người nông dân không nặng tâm lý sùng hàng nhập khẩu.

“Lúc đó, chiến lược tấn công vào khu vực này được bắt đầu bằng việc cho nhân viên Công ty trực tiếp tới chào lắp máy phát điện tại các trang trại ở Bình Dương, Đồng Nai. Thế mạnh đầu tiên của chúng tôi là sản phẩm rẻ hơn 20 - 30% so với máy nhập khẩu (nhờ Công ty đã nội địa hóa được 40%). Cùng với đó, có thể nói, duy nhất trên thế giới khi đó, chỉ có chúng tôi áp dụng chính sách bảo hành là: bán 1 máy, thì chấp nhận để 1 máy dự phòng ở trang trại, phòng khi có vấn đề trục trặc, chủ trang trại có máy thay thế”, ông Trọng nói.

Theo ông, chủ các trang trại chăn nuôi ban đầu chưa tin, họ lên tận nhà máy của Công ty ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bến Cát, Bình Dương) kiểm tra quy trình lắp ráp máy, yêu cầu chạy thử máy xem công suất có đúng như thiết kế hay không… Đến khi tận mắt chứng kiến mọi thứ đúng như cam kết, nông dân mới yên tâm mua máy và họ truyền tai nhau, người này giới thiệu người kia…

“Kết quả là, mỗi năm, Công ty bán ra 300 máy phát điện công nghiệp cho nông dân với nhãn hiệu hàng Việt Nam, thu về trên 10 tỷ đồng/năm”, ông Trọng tự hào nói. Song song đó, Công ty Sáng Ban Mai cũng thành công với chiến lược cung cấp máy phát điện cho khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, bởi với các chủ đầu tư người nước ngoài, cứ hàng tốt, đảm bảo được chất lượng và giá phải chăng là họ chấp nhận.

3 Một thử thách khác với Tổng giám đốc Trần Thành Trọng là, khi Bình Dương làm Dự án Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Trung tâm này do một đơn vị của Singapore thiết kế cả về kiến trúc lẫn thiết kế kỹ thuật và họ không chịu dùng sản phẩm máy phát điện Việt Nam cho tòa tháp đôi hiện đại bậc nhất này. Khi đó, Becamex là chủ đầu tư dự án này và họ cũng mời Công ty Sáng Ban Mai tham gia dự thầu cung cấp thiết bị máy phát điện.  Thời điểm đó, Becamex có 2 dự án lớn đang triển khai: Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương và Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế miền Đông cũng tại Bình Dương, nên họ đặt ra yêu cầu “nếu đơn vị nào trúng thầu phải làm được cả hai gói cùng lúc, để dễ quản lý”.

Lúc Becamex mở thầu, có cả các đơn vị quốc tế với nhiều gói sản phẩm nhập ngoại và các nhà thầu Việt Nam, trong đó có Sáng Ban Mai tham gia. Cuối cùng, Sáng Ban Mai đã thắng thầu cung cấp 6 máy phát điện, trong đó có một máy công suất lớn nhất thế giới hiện nay (2.500 KVA).

“Chúng tôi xác định, làm máy công suất 2.500 KVA là bước đột phá để khẳng định vị thế của Sáng Ban Mai”, ông Trọng nói.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ với ông Trọng cùng cộng sự là hệ thống máy 2.500 KVA không phải là máy đơn, mà là nhiều máy nhỏ hòa vào với nhau.

“Về kỹ thuật, với trình độ của mình, chúng tôi tự tin có thể vượt qua, nhưng thách thức đặt ra là tiến độ gấp, bị ép làm đúng tiến độ, nên anh em Công ty phải bám ở nhà máy để làm”, ông Trọng nhớ lại.

Thậm chí, khi đó, ngay các chuyên gia Singapore cũng khuyên ông Trọng, đừng làm vì họ đã từng làm nhưng không được. “Tôi họp anh em và tính kỹ, thay vì làm rời rạc từng máy, thì cho anh em lắp máy ráp lại với nhau, tính kỹ từng bước phần cơ trước, sau đó thử với phần mềm, làm cả tuần không kết nối với nhau được. Sau đó tìm hiểu, nhờ mấy chuyên gia điện từng cùng học Bách khoa, có kinh nghiệm làm các nhà máy phát điện lớn, đem áp dụng vào thì làm được”, ông Trần Thành Trọng hồ hởi kể.

Trở lại với câu chuyện hàng nhập ngoại, với con mắt tinh tường của người kinh doanh máy móc công nghiệp, ông Trọng dự đoán, trước sau, Nhà nước cũng phải công khai việc sính ngoại này.

Và rồi cơ hội cũng đến. Trong một lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào họp với tỉnh Bình Dương. Ông Trần Thành Trọng may mắn được tham dự và được Chủ tịch nước chỉ định đại diện doanh nghiệp phát biểu. “Lúc đó, tôi đang bức xúc việc Tổng cục Thuế mua 200 máy phát điện, nhưng tư vấn dự án lại chỉ định trong hồ sơ thầu là hàng nhập ngoại. Sau khi biết được sự việc, tôi mới tự tin trình bày: Tổng cục Thuế là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đáng lẽ viết hồ sơ đấu thầu, phải tạo điều kiện cho các đơn vị Việt Nam tham gia cạnh tranh sòng phẳng”, ông Trọng nói.

Lại thêm một lần may mắn, bởi Chủ tịch nước đã yêu cầu Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời việc này. Sau một thời gian kiểm tra, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ đạo dừng ngay việc mua sắm đó. “Đây là bước thắng lợi đầu tiên. Nguyên vụ này thôi, Nhà nước đã tiết kiệm được 30 tỷ đồng, vì nếu mua thiết bị trong nước sản xuất, sẽ có giá rẻ hơn khoảng 30%”, ông Trọng nói và cho biết, Công ty ông thắng thầu cung cấp 1/3 gói thầu máy phát điện cho dự án này, còn lại 2/3 thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Thắng thầu đương nhiên là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là, sau vụ này, chúng tôi đã được tạo điều kiện “chiến” trực diện với tâm lý chuộng hàng ngoại.

Giờ đây, ông Trần Thành Trọng, với vị trí Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương (trên 30 thành viên), tiếng nói của ông đã “có trọng lượng” với lãnh đạo tỉnh. Và đó là cơ hội để tham gia các dự án công – mảnh đất chuộng hàng nhập ngoại.

Mặc dù đã chinh phục được dòng máy phát điện công suất lớn nhất thế giới ở thời điểm này, song doanh nhân Trần Thành Trọng đang tiếp tục trăn trở với một kế hoạch mới, đó là nghiên cứu ra dòng sản phẩm máy phát điện dùng nhiên liệu sinh học, bởi hiện nay, biogas - nguồn nhiên liệu cho loại máy này đang rất dồi dào khi Việt Nam đang phát triển trang trại và các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

“Chúng tôi đang nghiên cứu cho ra sản phẩm này. Các nhà máy tinh bột sắn đang đặt hàng chúng tôi nghiên cứu. Hiện đã xong phần thiết kế loại máy 500 KVA, có thể phát điện đủ cho nhà máy hoạt động không cần dùng điện lưới quốc gia. Năm nay, chúng tôi sẽ xong mẫu máy này”, ông Trọng nói thêm và chia sẻ hoài bão sẽ đưa Sáng Ban Mai trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực máy phát điện công nghiệp, để phục vụ  tốt nhất có thể cho nhiều công trình tầm cỡ quốc gia.

Thanh Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục