CEO Kazuo Hirai đã tìm cách trấn an các cổ đông vào hôm thứ Sáu tuần trước bằng việc công bố những biện pháp xử lý triệt để mới, để đại tu ngành kinh doanh điện tử, giúp sức khỏe tài chính của Tập đoàn ổn định. Ông tuyên bố sẽ gia tăng lợi nhuận của Tập đoàn gấp ba lần trong năm tới. Đây cũng là lời hứa ông đã nói cách đây hai năm khi Tập đoàn chịu sức ép cải tổ do doanh số bán PC chậm chạp và vấn đề cắt giảm chi phí.
“Năm nay sẽ là năm chúng tôi hoàn tất quá trình tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh điện tử”, ông Hirai nói.
Và công cụ xử lý mới ông ám chỉ đó là chương trình cắt giảm chi phí 1 tỷ USD/năm và phát minh ra một sản phẩm ti vi mới với mục tiêu tạo ra lợi nhuận lần đầu tiên trong vòng 11 năm cho mảng sản xuất - kinh doanh ti vi, đồng thời đem về con số lợi nhuận 400 tỷ Yên (tương đương 3,95 tỷ USD) cho Sony vào cuối tháng 3/2016.
Bên cạnh đó, CEO Kazuo Hirai cũng chỉ ra đâu là nguyên nhân khiến Công ty chưa thể đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu đối với ngành nghề kinh doanh điện tử, đơn cử là lĩnh vực điện thoại thông minh. Theo ông Hirai, trong khi tốc độ tăng trưởng ở những quốc gia đang phát triển cho thấy dấu hiệu chậm lại, thì triển vọng ngành điện thoại không thể chắc chắn và sáng sủa hơn. Đó cũng là lý do tại sao Tập đoàn trì hoãn việc tạo ra một sản phẩm điện thoại đột phá mới, nhằm cạnh tranh với mức độ nổi tiếng của Iphone. Mặc dù vậy, trong năm nay, Hirai vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 28% đối với doanh số bán hàng điện thoại di động.
“Cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Nếu các con số của thị trường cho thấy dấu hiệu tích cực, chúng tôi sẽ kịp thời sửa đổi”, Hirai nói.
Đã từ lâu, mảng sản xuất ti vi liên tục làm đau đầu Kazuo Hirai cũng như HĐQT Tập đoàn. 10 năm qua, mảng kinh doanh này đã làm Sonny thất thu 790 tỷ Yên. Khi Hirai tiếp nhận vị trí CEO Sony vào năm 2012, ông tuyên bố sẽ chú trọng phát triển 3 mảng việc chính, là trò chơi, sản phẩm kích thích trí tưởng tượng và sản phẩm dịch vụ di động. Đồng thời cam kết tạo ra lợi nhuận cho mảng kinh doanh ti vi. Song đến nay, Tập đoàn vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn thua lỗ nặng nề.
“Vấn đề lớn nhất Kazuo Hirai nên chỉ ra được là tính sáng tạo. Làm cách nào để tạo ra những sản phẩm cuốn hút và khác biệt, đó mới là vấn đề. Hãy chỉ chọn 1 trong 2 ngành nghề để tập trung phát triển”, chuyên gia phân tích Damian Thong ở Macquarie Group Ltd nói.
Để “giải cứu” Tập đoàn, giải pháp tách mảng kinh doanh ti vi ra khỏi bộ máy Công ty để hoạt động riêng lẻ được đem ra bàn luận và mổ xẻ. Trong khi một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc tách rời này có thể là khúc dạo đầu kích thích doanh số bán hàng ti vi, thì riêng ông Hirai giữ quan điểm sẽ không có bất kỳ hành động bán hay đóng cửa nào, có chăng, mảng sản xuất ti vi sẽ được tách rời hoạt động với tư cách là một công ty riêng nhưng vẫn thuộc điều hành chung của Tập đoàn. Vì năm qua, sau khi phải gánh chịu khoản lỗ 80 tỷ Yên do mảnh kinh doanh PC mang lại, Tập đoàn quyết định bán bản quyền PC, nơi sản xuất ra thương hiệu Vaio nổi tiếng, cho Hãng Japan Industrial Partners Inc của Nhật Bản, khiến Sony mất đi một trong những ngành nghề cốt lõi làm nên tên tuổi của Tập đoàn.
Ngoài ra, để bù lỗ, tháng 11/2013, Tập đoàn công bố kế hoạch cắt giảm 250 triệu USD chi phí trong lĩnh vực giải trí trong vòng 2 năm, đồng thời cắt giảm 706 việc làm ở Chi nhánh California. Thậm chí, 7 lãnh đạo cấp cao của Sony bao gồm Hirai cũng đều từ chối những khoản lương thưởng và đồng ý giảm mức lương cơ bản của họ xuống, để phần nào chịu trách nhiệm cho những khoản thua lỗ trong năm qua với 457 tỷ Yên.
Bất chấp nỗ lực giảm thiểu chi phí và cắt giảm nhân công đáng kể của Kazuo Hirai, năm nay, triển vọng kinh doanh của công ty sản xuất ti vi hàng đầu Nhật Bản vẫn tiếp tục rơi vào khoảng tối khi vừa được dự báo con số tổn thất 50 tỷ Yên, do phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ sừng sỏ Apple và Samsung.
“Tình hình đang có vẻ căng thẳng trong môi trường ngành công nghiệp điện tử hiện nay, đòi hỏi Sony cần phải đưa ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao với chi phí hợp lý”, chuyên gia phân tích Kelvin Ho ở Fitch Ratings nói.