Sony tiếc thương vị lãnh đạo tài hoa

(ĐTCK-online) Trong vòng hơn một tuần lễ trở lại đây, nhiều sự kiện vui, buồn lẫn lộn đã xảy ra với Hãng Sony (Nhật Bản).
Dưới sự lãnh đạo của ông Norio Ohga, Sony đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc Dưới sự lãnh đạo của ông Norio Ohga, Sony đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc

Đầu tiên là tin vui. Sau nhiều lần “úp úp, mở mở”, cuối cùng, ngày 26/4/2011, Sony đã chính thức trình làng máy tính bảng của mình và không chỉ một, mà cùng lúc 2 model S1 và S2, với tham vọng cạnh tranh với sản phẩm iPad của Apple đang rất được ưa chuộng. Cả 2 đều sử dụng hệ điều hành Google Android 3.0 (hay còn gọi là Honeycomb).

Model S2 thu hút giới chuyên môn nhiều hơn, chủ yếu nhờ điểm độc đáo là có 2 màn hình, có thể sử dụng độc lập, mà cũng có thể dùng như 1 màn hình to. Ông Kunimasa Suzuki, nhà quản lý cao cấp của Sony phát biểu, Hãng kỳ vọng ngay năm 2012 sẽ chiếm vị trí nhà sản xuất máy tính bảng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Apple.

Theo thống kê của Hãng nghiên cứu Gartner (Mỹ), dù iPad mới xuất hiện trên thị trường từ tháng 4/2010, song sản phẩm này đang chiếm tới 83,9% thị phần toàn cầu (trong tổng số 17,6 triệu chiếc máy tính bảng bán ra trong năm ngoái). Nhiều chuyên gia nhận định, là kẻ chậm chân, đi sau cả Samsung, Motorola, Tosshiba…; thì Sony trước mắt đừng nên đặt ra các mục tiêu cao xa làm gì, mà chỉ nên khiêm tốn ở vai trò góp vui và có mặt cùng các anh tài. Dẫu sao thì đó cũng là tin vui với Sony.

Còn giờ là 2 sự kiện buồn.

Thứ nhất, ngày 23/4, ông Norio Ohaga, nguyên Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) Sony đã qua đời, thọ 81 tuổi. Đây là một trong số những lãnh đạo  giàu sức sáng tạo và có nhiều quyết định mang tính đột phá nhất, có thời gian “trị vì” khá lâu (từ năm 1982 đến 1995), có tầm ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển của Hãng...

Sự kiện thứ hai, mạng sử dụng video game trực tuyến Playstation Netwwork của Sony (hiện có tới hơn 75 triệu thuê bao trực tuyến trên toàn cầu) đã bị một số hacker cao thủ đánh sập và lấy đi nhiều dữ liệu quan trọng của từng cá nhân khách hàng. Thiệt hại về tài chính chắc chắn là không nhỏ, song điều quan trọng là khách hàng đang mất niềm tin vào sự an toàn và công tác bảo mật của Hãng.

Ngày 29/4, đã có khách hàng đầu tiên ở Mỹ đâm đơn kiện Sony về việc này. Để giải quyết ổn thoả vụ này, chắc Sony chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, dẫu không nhỏ, là xong xuôi. Còn nỗi buồn đầu thì không thể ngay một sớm, một chiều có thể khoả lấp ngay được.

Người Nhật nói chung và người châu Á đều trọng tình cảm, uống nước nhớ nguồn. Có được những thành tựu như ngày hôm nay, Sony chịu ơn ông Norio Ohaga rất nhiều, những người yêu âm nhạc trên toàn thế giới cũng bày tỏ sự tiếc thương và biết ơn người đã công lớn đưa đĩa CD lên vị thế xứng đáng.

Nhiều bài báo đã nhấn mạnh đến hiện tượng lãnh đạo doanh nghiệp “vô tiền khoáng hậu” của ông Norio Ohaga, trưởng thành từ một ca sỹ opera, không hề qua trường lớp kinh doanh nào. Ngay từ khi còn theo học ở Nhạc viện Quốc gia Tokyo, ông đã trực tiếp phàn nàn với lãnh đạo Sony về chất lượng của máy ghi âm băng từ Sony. Rồi ông nêu ý tưởng để tạo ra định dạng chuẩn của 1 đĩa CD chạy 75 phút, thời lượng đủ để ghi trọn bộ Bản giao hưởng số 9 của nhạc sĩ thiên tài Ludwig van Beethoven (Đức) không bị gián đoạn.

Thấy ông có nhiều ý tưởng sáng tạo khác người, lãnh đạo Sony đã mời ông hợp tác, rồi mời về làm việc, dần dần bồi dưỡng và cất nhắc ông lên tận ghế Chủ tịch, CEO.

Trên cương vị của mình, ông Norio Ohga đã dẫn dắt Sony trở thành một đế chế giải trí toàn cầu trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và trò chơi máy tính.

Đánh giá công lao của ông Norio Ohga, ông Howard Stringer, Chủ tịch kiêm CEO Sony đương chức nhận định: “Bằng cách định vị lại Sony phải là một công ty sản xuất cả về phần cứng lẫn phần mềm, ông Norio Ohga đã đạt được thành công, trong khi nhiều công ty khác của Nhật Bản thất bại. Không có gì quá đáng khi nói rằng, chính nhờ tầm nhìn xa của ông Norio Ohga mà Sony đã làm nên cuộc cách mạng từ các sản phẩm audio, video cho đến âm nhạc, phim ảnh và game để trở thành tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới như ngày nay”.

Dưới sự lãnh đạo của ông Norio Ohga, Sony đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc với định dạng đĩa CD trong năm 1982, mở đường cho các định dạng kỹ thuật số khác sau này như DVD và Blu-ray.

Không chỉ có vậy, ông còn là đạo diễn chính của 2 vụ mua lại doanh nghiệp nổi đình đám cả thế giới. Đó là năm 1986, Sony sáp nhập với CBS (Mỹ) để ra đời của Hãng giải trí CBS/Sony Records, nay là Sony Music Entertainment. Năm 1989, Sony đã mua lại Hãng phim Columbia Pictures (Mỹ) với giá 3,4 tỷ USD.

Nhật Bản đã ghi nhận những đóng góp của ông Norio Ohga bằng nhiều danh hiệu quốc gia cao quý. Pháp cũng trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục