Người bán khống có phải là "vật tế thần"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những lệnh cấm đối với chiến lược đầu tư chứng khoán thường sai lầm và có hại.
Người bán khống có phải là "vật tế thần"

Hoạt động bán khống luôn nhận được những quan điểm trái chiều. Chiến lược đầu tư này bao gồm việc bán một tài sản đi vay với kỳ vọng giá của nó sẽ giảm, sau đó mua và trả lại, thường liên quan đến việc các tổ chức lớn kiếm lợi nhuận từ “nỗi đau” của người khác.

Bộ phim Hollywood năm 2015 - The Big Short - đã cho thấy hàng tỷ USD mà một số nhà giao dịch đã tích lũy được bằng cách đặt cược vào thị trường bất động sản ở Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, góp phần đưa hoạt động bán khống đến với nhận thức rộng rãi hơn.

Bên cạnh những lo ngại về mặt đạo đức, các nhà phê bình cho rằng, việc bán khống có thể gây ra sự hoảng loạn, làm giá cổ phiếu sụt giảm và trừng phạt số đông nhà đầu tư. Chính quyền thường xuyên phản ứng bằng cách kiểm soát chặt chẽ hoạt động này và nỗ lực mới nhất đến từ Hàn Quốc.

Trong tháng này, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đã ban hành lệnh cấm bán khống cổ phiếu niêm yết cho đến tháng 6/2024. Những người hoài nghi cho rằng đây là một nỗ lực chính trị nhằm xoa dịu các nhà đầu tư cá nhân - những người đã trở thành thế lực chi phối trên thị trường chứng khoán - và xem các nhà giao dịch bán khống là “ông kẹ”. FSC cho biết, họ thực sự đang cố gắng loại bỏ tận gốc các hình thức bán khống nghiêm trọng hơn.

Nhưng theo Financial Times, dù lý do là gì đi nữa thì những lập luận do những người chỉ trích việc bán khống đưa ra hiếm khi có cơ sở. Chiến lược giao dịch cổ phiếu là một phần cốt lõi của một thị trường tự do lành mạnh và minh bạch. Cấm bán khống không chỉ có hại mà còn không hiệu quả.

Đầu tiên, bán khống tạo điều kiện thuận lợi cho việc “khám phá” mức giá phù hợp. Vì người bán khống có thể chịu tổn thất nặng nề nếu giá không giảm nên giao dịch của họ thường được củng cố bằng nghiên cứu chuyên sâu. Và bằng cách gây áp lực giảm giá, hoạt động này giúp đưa những cổ phiếu tăng mạnh về mức định giá phù hợp hơn. Cơ hội kinh doanh chênh lệch giá cũng tạo ra động cơ tài chính để tìm hiểu sâu hơn về tình hình tài chính của công ty.

Jim Chanos - người gần đây đã quyết định đóng cửa quỹ phòng hộ của mình với lý do áp lực lên mô hình bán khống cổ phiếu do thị trường tăng giá - đã từng bỏ túi hàng triệu USD sau khi phát hiện ra sự mâu thuẫn tài chính ở cả Enron và Wirecard trước khi họ phá sản.

Thứ hai, bán khống giúp hỗ trợ thanh khoản và quản trị rủi ro. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, một số quốc gia bao gồm cả Mỹ đã ban hành lệnh cấm bán khống vì lo ngại rằng hoạt động này sẽ làm trầm trọng thêm thị trường giá xuống. Nhưng nghiên cứu của Fed New York cho thấy, lệnh cấm không ngăn được giá cổ phiếu giảm, nó cũng dẫn đến tính thanh khoản thấp hơn và chi phí giao dịch cao hơn. Một nghiên cứu về lệnh cấm bán khống ở 6 quốc gia châu Âu vào tháng 3/2020 cũng có kết quả tương tự, trong khi các thị trường chứng khoán và doanh nghiệp nhỏ hơn phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Thứ ba, các nhà đầu tư thường xuyên có thể sẽ gặp khó khăn hơn nếu không có người bán khống. Việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc “bán khống” đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ sụp đổ thị trường, bằng cách cải thiện hiệu quả đầu tư kinh doanh và cung cấp thông tin có giá trị. Hơn thế nữa, bán khống đóng vai trò như một bài kiểm tra quan trọng đối với sự lạc quan của thị trường, vốn có xu hướng biến thành bong bóng. Nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh (FCA) cũng cho thấy lợi ích trên toàn thị trường của giao dịch chủ động có thể bị giảm sút nếu ngành quản lý quỹ thụ động phát triển với quy mô lớn một cách không cân đối.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có những mặt trái. Chiến lược “bán khống và bóp méo” liên quan đến việc bán khống một cổ phiếu và sau đó lan truyền thông tin sai lệch là bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính quyền cần đảm bảo rằng họ có thể xác định và phản hồi các trường hợp nhanh hơn nữa, đặc biệt khi các nền tảng truyền thông xã hội giúp khuếch đại các thông tin sai lệch. Hoạt động “naked short” - tức hành vi bán khống cổ phiếu mà người bán không vay hoặc sắp xếp vay chứng khoán kịp thời để giao hàng cho người mua trong thời hạn thanh toán tiêu chuẩn - cũng bị cấm ở nhiều khu vực pháp lý vì nó làm tăng nguy cơ khiến giao dịch không ổn định.

FSC của Hàn Quốc đã tuyên bố lệnh cấm là để giải quyết hoạt động naked short. Nhưng những người tham gia thị trường tranh cãi rằng hoạt động này đang phổ biến hoặc thậm chí mang lại lợi nhuận. Dù bằng cách nào, với vai trò không thể thiếu của hoạt động bán khống nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của thị trường tài chính, lệnh cấm của Hàn Quốc có thể chỉ làm suy yếu tham vọng lâu dài của nước này trong việc được các nhà cung cấp chỉ số hàng đầu nâng cấp lên vị thế thị trường phát triển.

Trong các thị trường trầm lắng hoặc suy thoái, những người bán khống thường xuyên bị xem là “vật tế thần”. Nhưng chính quyền và công chúng cần nhớ rằng, vẻ ngoài có thể đánh lừa.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục