Người bán khống vào vai anh hùng và kẻ ác trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi giá cổ phiếu của First Republic Bank giảm mạnh hai con số sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng trước, một số người thân cận với ngân hàng này đang lo lắng rằng những người bán khống đang làm trầm trọng thêm công việc khó khăn của họ.
Người bán khống vào vai anh hùng và kẻ ác trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Theo nguồn tin này, các nhà đầu tư đang tăng cường bán khống cổ phiếu của First Republic khi giá cổ phiếu giảm, khiến ngân hàng khó phục hồi giá trị.

Số lượng vị thế bán khống cổ phiếu First Republic Bank thực sự đã tăng lên khi tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng, mặc dù các biện pháp khác nhau đã được đưa ra nhằm trấn an thị trường. Các vị thế bán khống đã tăng lên từ khoảng 7% cổ phiếu đang lưu hành vào đầu tháng 3 lên đến 37% vào ngày 31/3, so với mức trung bình từ 3% đến 5% trên tất cả các cổ phiếu.

Hai trong số các ngân hàng đã đóng cửa vào tháng trước là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã cho thấy một mô hình tương tự: số lượng vị thế bán khống tăng lên khi cổ phiếu của họ bắt đầu giảm, mặc dù ở các mức độ khác nhau.

Các vấn đề tại các ngân hàng khu vực của Mỹ đã gia tăng vào năm ngoái, khi lãi suất tăng nhanh đã làm giảm giá trị nắm giữ tài sản dài hạn như khoản vay mua nhà và trái phiếu chính phủ của các ngân hàng. Một số ngân hàng cũng gặp thách thức khi tiếp xúc với tiền điện tử và các công ty công nghệ. Các vấn đề cơ bản đã bùng nổ vào tháng trước khi làn sóng rút tiền gửi hàng loạt vượt khỏi tầm kiểm soát và những ngân hàng khu vực đã chứng kiến ​​cổ phiếu của họ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, việc bao nhiêu người bán khống đã đóng góp vào vòng xoáy đi xuống của giá cổ phiếu đã lặp lại cuộc tranh luận về việc liệu những người bán khống có phải là cơ quan giám sát thị trường hay chỉ là những nhà đầu tư cơ hội kiếm lợi từ sự khốn khổ của người khác. Trong trường hợp khủng hoảng ngân hàng, việc xem xét dữ liệu và phỏng vấn những người bán khống và những người chỉ trích họ cho thấy, câu trả lời có thể là cả hai.

Dennis Kelleher, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Better Markets, một nhóm công nghiệp phi lợi nhuận ở Washington cho biết: "Việc bán khống trong những tháng trước khi sụp đổ đã cảnh báo chính xác thị trường rằng SVB đang bị quản lý sai một cách nguy hiểm. Vấn đề là một khi sự sụp đổ đó xảy ra, những người bán khống với nhiều động cơ khác nhau bắt đầu nhắm mục tiêu vào các ngân hàng khác”.

Một số người bán khống đã công khai về quan điểm tiêu cực của họ đối với các ngân hàng, nhưng bác bỏ những ý kiến cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề này.

Yếu tố gây tranh cãi

Bán khống là một hoạt động gây tranh cãi, bị đổ lỗi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì đã làm tăng thêm nỗi đau của thị trường. Một số người bán khống nổi tiếng sau đó đã được ca ngợi là đã đưa ra những lời tiên tri về thị trường bất động sản ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng niềm tin vào các ngân hàng khu vực của Mỹ bắt đầu khi cổ phiếu của SVB lao dốc và những người gửi tiền tháo chạy sau khi ngân hàng này công bố kế hoạch huy động vốn vào ngày 8/3 để lấp lỗ hổng gần 2 tỷ USD từ việc bán trái phiếu.

Khi cuộc khủng hoảng gia tăng, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết vào ngày 17/3 rằng, những người bán khống đang "làm việc cùng nhau để thúc đẩy hoạt động rút tiền của các ngân hàng" và nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks đã hỏi trên Twitter rằng liệu "những người bán khống hỗn loạn" có sử dụng mạng xã hội để làm trầm trọng thêm tình hình rút tiền gửi hàng loạt từ SVB hay không.

Mặc dù vậy, các cuộc phỏng vấn và bài đăng công khai cho thấy chỉ có một số ít người bán khống đã đặt cược vào các ngân hàng khu vực trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Vị thế bán khống

Những người bán khống sớm như vậy chỉ là thiểu số nhỏ. Theo công cụ theo dõi dữ liệu S3 Partners, các giao dịch bán khống chỉ chiếm khoảng 5% cổ phiếu đang lưu hành của SVB kể từ ngày 1/3, với First Republic Bank là khoảng 3% và Singature Bank là 6%. Điều đó so với mức trung bình khoảng 4,65% trên tất cả các cổ phiếu.

Số lượng vụ thế short tăng mạnh ở một số ngân hàng

Số lượng vụ thế short tăng mạnh ở một số ngân hàng

Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy SVB, First Republic Bank và Signature Bank có mức bán khống tổng thể tương đối thấp trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra.

Các vị thế bán đã tăng lên trong tháng 3. Tại First Republic Bank, tỷ lệ cổ phiếu cho vay để bán khống đã đạt đỉnh từ 7% lên 39%, trong khi SVB đạt đỉnh từ 11% đến 19% và Singature Bank đạt đỉnh từ 6% đến 11%.

Bất chấp điều đó, các vị thế bán khống ở hầu hết các ngân hàng khu vực đều không bằng con số cổ phiếu bị bán khống nhiều như nhà sản xuất ô tô điện Tesla, đạt khoảng 25% vào năm 2019 và GameStop Corp với 100% cổ phiếu bị bán khống vào năm 2020.

Một ngoại lệ là Silvergate, ngân hàng cho vay tập trung vào tiền điện tử, trong nhiều tháng phải đối mặt với các vị thế bán khống cao bất thường so với các ngân hàng khác - trên 75% vào thời điểm họ cho biết sẽ ngừng hoạt động vào ngày 8/3.

Ihor Dusaniwsky, Giám đốc điều hành S3 Partners cho biết, sự gia tăng tổng thể các giao dịch bán khống tại các ngân hàng khu vực của Mỹ trong tháng 3 là một phần "cực kỳ nhỏ" trong giao dịch toàn thị trường, trong đó sự sụt giảm được thúc đẩy bởi những người nắm giữ cổ phiếu thường xuyên bán cổ phiếu của họ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục