Nơi chốn tránh sự sợ hãi
Thực tế đúng như vậy và nó đã được chứng tỏ trong nhiều thập kỷ gần đây. Khi các nhà đầu tư lo sợ trước những bất ổn về kinh tế, chính trị hay thậm chí là thiên tai, họ đều tìm đến vàng. Nếu không có những chuyện làm con người ta trở nên bồn chồn thì vàng sẽ nằm đó chẳng để làm gì.
Kim loại này đã tăng giá trên cơ sở của những sợ hãi kinh tế trong thập kỷ 2000, nhưng đã giảm trở lại từ năm 2011 khi những sợ hãi đó bớt đi. Gần đây, khi sự sợ hãi lại lan rộng, liên quan đến việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng của Fed và liên quan đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vàng lại tăng 11% kể từ giữa tháng 12/2013.
Các nhà phân tích giàu kinh nghiệm đang cảnh báo các khách hàng của mình rằng, hãy thận trọng, bởi nếu nỗi sợ đó lắng xuống, giá vàng có thể sẽ giảm theo.
“Vàng đã tăng giá khi mọi người vội vã mua làm tài sản an toàn và sau đó quay đầu giảm khi bị bán hối hả do mọi người không còn lo sợ nữa”, Rhona O’Connell, Trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại quý và dự báo của Thomson Reuters GFMS, một công ty chuyên nghiên cứu về vàng, nói.
Vàng có thể tăng cao trong một thời gian ngắn, nhưng nó cũng có thể đánh mất thành quả trong một sớm một chiều khi niềm tin kinh tế được cải thiện, bà O’Connell nhấn mạnh, mà điều này cơ bản đang diễn ra.
Sameer Samana, Chiến lược gia cao cấp của Công ty môi giới Wells Fargo Advisors, đang thúc giục khách hàng của mình hãy xem việc giá vàng tăng trở lại từ đầu năm đến nay như một cơ hội để bán ra toàn bộ danh mục.
“Theo những gì chúng tôi thu lượm được từ công việc của mình thì một rổ hàng hóa đa chủng loại là cách tốt nhất để phòng chống lạm phát, chỉ vàng thôi là không đủ (an toàn)”, ông Samana nói.
Vàng tăng giá “khi bạn lo lắng về thế giới”, Samana nói và cho biết, theo ông, các kim loại như đồng, nhôm và kẽm, không giống như vàng, được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp, là đối tượng đầu tư tốt hơn trong giai đoạn kinh tế hồi phục.
Về lưu trữ giá trị, vàng còn thua chứng khoán
Vàng khác với hầu hết các phương tiện đầu tư khác ở một khía cạnh quan trọng, đó là, trong điều kiện bình thường, chúng chẳng mấy khi được sử dụng. Chỉ một lượng nhỏ được dùng làm nhẫn, vòng cổ, đồng hồ, hay các đầu nối điện tử. Còn một lượng khổng lồ được tích trữ dưới dạng vàng miếng, vàng tiền, hay ở các nước đang phát triển, là trang sức nặng, chủ yếu để ngừa tai ương hơn là trang điểm.
Trong điều kiện bình thường, vàng ở đó chẳng để làm gì
Vàng đã bay cao trong những năm 1970 khi xảy ra các cuộc khủng hoảng dầu lửa, khi sứ quán Mỹ ở Tehran (Iran) bị chiếm đóng, lạm phát phi mã và thị trường chứng khoán bốc hơi. Sau đó, giá lại sụp giảm khi kinh tế thế giới phục hồi.
Vàng bật tăng trong những năm 2000 khi chứng khoán và kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng. Nhưng kim loại này mới thực sự đạt đỉnh vào năm 2011, năm mà Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và chứng khoán gần như bước vào thị trường “con gấu” - giảm 20% từ mức cao. Khi kinh tế ổn định sau đó thì vàng lại quay đầu giảm.
Điều thất vọng nhất với vàng là, mặc dù tăng giá, nó chưa bao giờ đạt đến mức kỷ lục của năm 1980 nếu tính đến sự trượt giá của đồng USD.
Giá vàng tương lai đã chạm mức kỷ lục 825,5 USD/ounce trên thị trường New York vào ngày 21/1/1980, tương đương 2.481,98 USD/ounce theo thời giá USD bây giờ. Trong khi đó, mức cao của năm 2011 là 1.950,15 USD/ounce, tức là vẫn thấp hơn 28% so với kỷ lục của năm 1980.
Chứng khoán đã chạm mức cao kỷ lục có điều chỉnh lạm phát kể từ năm 1980, gần đây nhất là trong tháng 12/2013 và tháng 1/2014. Vàng thì chưa bao giờ phá được kỷ lục cũ. Cho đến lúc này, giá mới bằng phân nửa của năm 1980 sau điều chỉnh lạm phát.
Điều đó có nghĩa là, kể từ những năm 1970, vàng đóng vai trò là nơi chốn tránh sự sợ hãi hơn là vật lưu giữ giá trị. Và kể từ khi các nền kinh tế phương Tây có xu hướng ổn định trở lại, sợ hãi tan dần, vàng lại trở thành loại tài sản rủi ro đối với các nhà đầu tư phương Tây.