Tổng cầu vàng thế giới giảm 15%
Theo WGC, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm xuống trong năm 2013 khi nhà đầu tư rút khỏi các quỹ chỉ số nhiều hơn lượng mua tăng lên đối với vàng vật chất. WGC cũng cho biết, nhu cầu vàng trang sức đã tăng trở lại mức trước khủng hoảng tài chính, trong khi đầu tư vàng miếng loại nhỏ và vàng tiền lên mức cao kỷ lục.
Bức tranh thị trường vàng trong quý IV năm 2013 về cơ bản phác họa chân dung thị trường này trong cả năm, WGC nhận xét. Các dữ liệu do WGC báo cáo bao gồm báo cáo hàng quý của WGC với số liệu được sưu tập một cách độc lập bởi hãng tư vấn Thomson Reuters GFMS.
Theo báo cáo này, năm 2013, nhu cầu vàng toàn thế giới đã giảm 15% xuống còn 3.756,10 tấn, không tính đầu tư ngoài sàn. Riêng trong quý cuối năm, cầu vàng đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn 857,8 tấn.
Trong cả năm 2013, lượng mua vàng, bao gồm vàng trang sức, vàng miếng nhỏ và vàng tiền (WGC gọi là cầu tiêu dùng) đã tăng 21% lên mức cao kỷ lục là 3.863,5 tấn.
Giá vàng giảm trong suốt năm 2013 đóng vài trò chính trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng vàng, Marcus Grubb, Giám đốc đầu tư chiến lược của WGC nhận định.
“Giá giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn và bạn có thể mua được nhiều hơn với một lượng tiền nhất định”, Grubb nói trong một cuộc phỏng vấn của Kitco News. “Ở một số thị trường phương Đông, điều đó có nghĩa là bạn giờ có thể mua được một món đồ trang sức bằng vàng với giá chỉ bằng 80 - 90% so với cách đây vài tuần hay vài tháng”.
Grubb nói thêm rằng, nhu cầu vàng vốn vẫn chưa được thỏa mãn ở nhiều quốc gia và người mua chỉ chờ giá giảm là lập tức xuống tiền.
“Về cơ bản, người tiêu dùng đang tìm cách mua thêm vàng như một cách tích trữ của cải, bất kể đó là vàng trang sức, vàng miếng hay vàng tiền”, Grubb nói.
Đầu tư và tiêu dùng vàng năm 2012, 2013
Nếu như cầu vàng miếng tăng cao kỷ lục thì cầu vàng chỉ số ETFs lại giảm thậm chí mạnh hơn, với tổng cộng 880,8 tấn trong năm 2013. Vàng ETFs được giao dịch như một loại chứng khoán nhưng bám theo giá loại hàng hóa này trên thực tế và được phát hành trên cơ sở một lượng vàng có thật.
Cầu vàng trang sức đã đạt mức cao nhất theo năm kể từ 1997, WGC cho biết. Tổng cầu loại vàng này trong cả năm ngoái là 2.209,5 tấn, tăng 17% và cao hơn mức trung bình 1.983,2 tấn của 5 năm qua.
Khối lượng mua nhiều nhất đến từ nửa đầu năm khi giá bắt đầu giảm, trong đó người mua chủ yếu ở các quốc gia phương Đông. Tuy nhiên, theo WGC, giá thấp cũng kích thích nhu cầu vàng ở các nước phương Tây, trong đó có Mỹ.
Tổng giá trị cầu vàng trang sức tính theo USD chỉ giảm 2% trong năm 2013, và điều này, theo WGC, đã phản ánh cầu vàng mạnh thế nào khi mà giá giảm bình quân 15,4% trong năm qua.
Có một sự tương phản rõ rệt về cầu giữa các loại hình nhà đầu tư trong năm qua, với lượng nắm giữ vàng ETFs giảm xuống trong khi cầu vàng miếng và vàng tiền tăng 28% lên 1.654,1 tấn. Đây là con số lớn nhất kể từ khi WGC bắt đầu tính toán dữ liệu năm 1992.
Vàng chảy từ Tây sang Đông
“Báo cáo thị trường vàng năm 2013 sẽ không thể hoàn chỉnh nếu không đề cập đến dòng chảy chưa từng có của vàng từ các kho chứa của phương Tây sang các thị trường phương Đông, thông qua các nhà sản xuất Bắc Mỹ, Thụy Sỹ và Dubai”, WGC nói.
Các nhà đầu tư chiến thuật ở các nước phương Tây đã rút khỏi các quỹ ETFs khi tình hình kinh tế vĩ mô ở Mỹ cải thiện. Và khi các nhà giao dịch bán cổ phần của họ ở các quỹ chỉ số, giá đã giảm trên thị trường, nhưng điều này lại kích thích “khẩu vị” vàng vật chất của người tiêu dùng Ấn Độ, Trung Quốc và rất nhiều thị trường khác ở châu Á và Trung Đông.
Tiêu dùng vàng tăng thêm của một số nước trong năm 2013
Trong khi đó, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương trong năm 2013 được ước tính là 368,6 tấn, bao gồm 61 tấn trong quý IV, quý mua ròng thứ 12 liên tiếp. Tuy nhiên, tổng mua ròng này năm qua vẫn thấp hơn 32% so với năm 2012, mặc dù vẫn cao hơn nhiều mức trung bình 282,6 tấn của 5 năm qua.
“Hoạt động mua này chậm lại về cuối năm do giá vàng biết động mạnh hơn và các ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối”, WGC nói. “Chúng tuy thấp hơn 32% so với năm trước nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng những năm gần đây”.
Trong số những quốc gia mua vàng dự trữ ngoại hối lớn nhất có Nga với 77 tấn, Kazakhstan 28 tấn, Azerbaijan 20 tấn và Hàn Quốc 20 tấn.
Với số vàng mua thêm trong năm 2013, Nga trở thành quốc gia dự trữ vàng lớn thứ 8 thế giới với ít nhất 1.000 tấn, theo dữ liệu của WGC.
Trong danh sách của WGC, Mỹ hiện dẫn đầu với 8.133,5 tấn; tiếp theo là Đức với 3.387,1 tấn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2.814 tấn; Italia, 2.451,8 tấn; Pháp, 2.435,4 tấn; Trung Quốc 1.054,1 tấn (nhiều nhà phân tích nghĩ rằng, nước này vẫn lặng lẽ tăng dự trữ vàng trong những năm gần đây, nhưng không công bố); Thụy Sỹ, 1.040,1 tấn; Nga, 1.035,2 tấn.
20 nước dự trữ vàng nhiều nhất thế giới tính đến cuối năm 2013 (theo công bố chính thức)
Việt Nam tiêu 4 tỷ USD vào vàng năm 2013
Theo báo cáo của WGC, trong năm 2013, Việt Nam đã tiêu thụ 92,2 tấn vàng, tương đương 4,16 tỷ USD. Xếp trên Việt Nam lần lượt là Trung Quốc với 1.065,8 tấn; Ấn Độ, 974,8 tấn; Mỹ, 190,3 tấn; Thổ Nhĩ Kỳ, 175,2 tấn; Thái Lan; 140,1 tấn và Đức, 121 tấn.
“Giá vàng trong nước Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 200 USD/oucne, nhưng các nhà đầu tư vẫn chuộng mua vàng làm vật lưu trữ của cải và đề phòng lạm phát”, WGC nói.
Tiêu dùng vàng của Việt Nam năm qua là 92,2 tấn