Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố cảng biển lớn, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước.
Tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng nhằm thúc đẩy nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố, tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy hơn nữa những lợi thế của mình trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung.
Với những điều kiện thuận lợi này, Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng cần phải có tư duy mới, cách làm mới để thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung.
Đặc biệt, Đà Nẵng cần có tầm nhìn xa, chú trọng tăng cường tính liên kết với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo nên một không gian kinh tế nối liền, một cụm điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại miền Trung Việt Nam. Làm được điều đó, Đà Nẵng mới thật sự là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trước đông đảo các DN, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nói là làm, đã ký kết thì thực hiện, không tạo ra chi phí không chính thức.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu biết bứt phá, vượt qua tư duy lối mòn. Đà Nẵng cần nghiên cứu các mô hình thành công trên thế giới như ở Singapore, Haifa (Israel), Bangalore (Ấn Độ), Tân Trúc (Đài Loan – Trung Quốc)… để xác định rõ mô hình phát triển kinh tế và chiến lược thu hút đầu tư, chú trọng phát triển các cụm ngành công nghiệp có quan hệ tương hỗ để tạo ra hệ sinh thái bền vững về đầu tư.
Muốn làm được điều đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng để giải quyết các nút thắt quan trọng về lưu thông hàng hóa như: Cảng Liên Chiểu, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, di dời nhà ga đường sắt…
Trong đó, đối với dự án Cảng Liên Chiểu, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong việc sắp xếp nguồn vốn đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để sớm triển khai dự án.
Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng phải sớm hoàn thiện Đề án về cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, cũng như Đề án thành lập và bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các Khu Kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020, trình các Bộ ngành chức năng sớm thẩm định và tham mưu Chính phủ xem xét phê duyệt...
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cái gốc của việc xúc tiến đầu tư là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại, phát huy tinh thần “3 đồng hành - 5 hỗ trợ”, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đà Nẵng cần nỗ lực để tiếp tục giữ vững kết quả đứng đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hơn thế nữa còn cần đi từ con số đến hành động, triển khai các chính sách cụ thể nhằm từng bước gỡ bỏ các rào cản trong quá trình đầu tư. Đây là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của doanh nghiệp.
Từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức phải tâm huyết với công việc với tinh thần phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; việc gì vướng mắc phải tìm cách tháo gỡ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc.
“Tôi đánh giá cao việc chính quyền thành phố đã chủ động lắng nghe các vấn đề của doanh nghiệp và có các đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng các Doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đầu tư, nghiên cứu đầu tư và bảo lãnh tín dụng
Cụ thể, liên quan đến kiến nghị của Đà Nẵng về khung pháp lý cho các dự án căn hộ - khách sạn (condotel), tôi đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dự án đầu tư căn hộ khách sạn nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn phải có chiến lược kinh doanh lâu dài, giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ tức là phải “làm thật”, phải thể hiện rõ quan điểm “hai bên cùng thắng” trong hoạt động kinh doanh.
Đối với các dự án chậm triển khai so với tiến độ đã cam kết, đề nghị chính quyền thành phố quyết liệt rà soát và có các biện pháp xử lý kịp thời; Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân; Thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động; quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Nói là làm, đã ký kết thì thực hiện, không tạo ra chi phí không chính thức.
"Tại Diễn đàn đầu tư này chúng ta chứng kiến số vốn đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cam kết nghiên cứu đầu tư, thỏa thuận cho vay vốn đầu tư ấn tượng với tổng giá trị hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Đây là một tin vui đối với nhân dân thành phố Đà Nẵng và khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng"- Thủ tướng nhấn mạnh.