Nghịch lý tại TP.HCM: Thiếu nhà ở xã hội, thừa nhà tái định cư

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM luôn trong tình trạng không đủ đáp ứng nhu cầu, thì hàng ngàn căn nhà tái định cư lại vắng bóng người hàng chục năm, gây lãng phí trầm trọng.

Vừa thừa, vừa thiếu nhà ở

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có Tờ trình gửi UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội từ khoảng 1.177 tỷ đồng, lên 3.770 tỷ đồng. Bởi theo Kế hoạch Phát triển nhà ở của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, thì không có chỉ tiêu nhà ở công vụ, nên cũng không bố trí nguồn vốn ngân sách.

Cũng theo chương trình trên, dự kiến nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước chiếm 5% tổng vốn dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chủ yếu để giải quyết cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, không thể đi thuê, mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, theo Chương trình Phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 đã được HĐND Thành phố thông qua, thì chỉ tiêu nhà ở công vụ giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phát triển khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ. Nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 3.770 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030, nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân).

Nhà ở xã hội thì thiếu trầm trọng, song trên địa bàn TP.HCM lại đang thừa khoảng 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, TP. Thủ Đức (khu vực quận 9 và quận 2 cũ).

Trong đó, khu tái định cư Bình Khánh (thuộc quận 2 cũ) là nơi có số lượng nhà tái định cư lớn nhất với 12.500 căn hộ, được xây dựng trên tổng diện tích 38,4 ha. Đặc biệt, để xây dựng khu đô thị này, đã có 10.000 hộ dân phải di dời để lấy mặt bằng.

Thế nhưng, từ khi xây xong đến nay, gần như toàn bộ khu tái định cư không có người ở. Thậm chí, mỗi năm, TP.HCM phải chi hơn 70 tỷ đồng để bảo trì dự án do để “phơi nắng” lâu ngày.

Đáng nói là, cách đó không xa, những căn hộ thương mại do doanh nghiệp tư nhân đầu tư đang rao bán với giá 70 - 100 triệu đồng/m2.

Cũng chịu cảnh tương tự là Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), được khởi công từ năm 2008, tổng diện tích lên đến 30,9 ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư, với tổng cộng 1.939 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho Khu tái định cư Vĩnh Lộc B thời điểm đó lên tới 1.062 tỷ đồng, chưa tính tiền đất… Hiện nay, nơi đây vẫn vắng bóng người.

Tại sao không chuyển đổi?

Việc để hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang là có tội với người dân, đặc biệt là dân nghèo.

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các khu nhà tái định cư xây xong mà không có người ở, trong đó phải kể đến sự bất cập trong quy định pháp luật: phải có quỹ nhà tái định cư trước, rồi mới triển khai dự án, nhưng khi xây nhà xong, thì các hộ dân bị giải tỏa lại chọn nhận tiền thay vì nhận nhà…

Từ thực tế trên, nhiều người không khỏi thắc mắc rằng, tại sao những căn hộ, nền đất tái định cư không chuyển sang bán theo hình thức nhà ở xã hội, khi Thành phố đang thiếu nghiêm trọng dự án nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp?

Số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, chỉ tính trong 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của của TP.HCM đã có khoảng 285.000 công nhân, lao động, Trong đó, khoảng 80% công nhân là lao động nhập cư đang phải thuê phòng trọ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất chuyển những khu nhà trên sang làm nhà ở xã hội để bán cho những người đang khó khăn về nhà ở. “Việc để hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang là có tội với người dân, đặc biệt là dân nghèo”, ông Châu nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, quỹ nhà ở tái định cư hiện hữu là tiền đề rất quan trọng để thành phố triển khai các dự án trọng điểm. Trường hợp không có sẵn nguồn nhà ở, đất ở tái định cư, thì phải mất 2 - 3 năm mới tạo lập được và chi phí rất cao.

Đối với nhu cầu nhà ở xã hội, trong kế hoạch phát triển nhà ở từng giai đoạn, TP.HCM đã khảo sát và đặt mục tiêu phát triển dự án bất động sản bình dân với quy mô căn hộ phù hợp. Cụ thể, theo Kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ có 195 dự án triển khai (148 dự án nhà ở thương mại, 47 dự án nhà ở xã hội); 317 vị trí dự án phát triển nhà ở (283 vị trí dự kiến phát triển nhà ở thương mại, 34 vị trí dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân).

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, chỉ có 43 dự án nhà ở hoàn thành (42 dự án nhà ở thương mại và 1 dự án nhà ở xã hội), chiếm 22% tổng số dự án nhà ở đang triển khai. Do đó, nguồn cung dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục