Vẫn để hai phương án về đất xây dựng nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn quan điểm khác nhau về trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với việc phát triển nhà ở xã hội.
Phiên họp sáng 29/8 của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Phiên họp sáng 29/8 của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo).

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn thảo trong ngày hôm nay (29/8).

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, liên quan đến đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Uỷ ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết do vấn đề này còn ý kiến khác nhau nên đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm này vào Dự thảo.

Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng cần phải linh hoạt về phương thức thực hiện. Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đối với các dự án lớn, quy hoạch các khu vực nhà ở biệt lập, không có tác động tiêu cực về hạ tầng xã hội và điều kiện sống giữa các khu nhà ở có tiêu chí khác nhau) hoặc quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất.

Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn, báo cáo nêu.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội.

Bởi vì để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án và triển khai dự án, các chủ thể này đã phải tham gia đấu giá, đấu thầu dự án và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về đầu tư...

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 như đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Vì, theo phương án này vừa bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với việc phát triển nhà ở xã hội nhằm huy động nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội này; vừa linh hoạt trong thực hiện trách nhiệm để khắc phục những vướng mắc như đã nêu trong báo cáo Tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Tương tự, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cũng vẫn còn hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình.

Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Quy định theo hướng này sẽ không phải bổ sung nội dung trong Luật Nhà ở, không gây xung đột với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Thường trực Ủy ban Pháp luật không thể hiện chính kiến về vấn đề này mà chỉ nêu các các quan điểm trên để các vị đại biểu xem xét, cho ý kiến để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục