Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua EVFTA trong hôm nay 12/2/2020

Hôm nay, 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA.
EP đã ấn định lịch bỏ phiếu về việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA vào ngày 12/2/2020, EP đã ấn định lịch bỏ phiếu về việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA vào ngày 12/2/2020,

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được Nghị viện châu Âu (EP) xem xét phê chuẩn trong ngày hôm nay, 12/2/2020.

Nếu được thông qua, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới. 

Bên cạnh thương mại, EVFTA cũng có những cam kết sâu rộng về dịch vụ, mua sắm chính phủ, lao động và sở hữu trí tuệ. Sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng sẽ sớm có hiệu lực khi được quốc hội các nước thành viên EU thông qua.

Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, Hiệp định EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Còn với Hiệp định EVIPA, Hiệp định này muốn có hiệu lực phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit). 

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Brussels, Bỉ và Strasbourg, Pháp với tư cách là Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 11/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc từ ngày 4 đến 12/2, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cũng đã có nhiều cuộc làm việc quan trọng với Phó Chủ tịch EP Pedro Silva Pereira, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế EP (INTA) Bernd Lange, Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Phil Hogan, lãnh đạo nhiều đảng chủ chốt như đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Xã hội và Dân chủ (S&D), châu Âu Đổi mới (RE)… trưởng đoàn nghị sĩ EP của nhiều nước thành viên EU như Pháp, Phần Lan, Bulgari, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia… và nhiều nghị sĩ nhằm trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, chuẩn bị cuộc cho bỏ phiếu về thông qua hai hiệp định tại EP.

Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán. Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023), 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Các cam kết rộng và sâu về đầu tư sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục