Nhiều con đường đến đích
Chưa cần phải đi quá xa, doanh nghiệp Việt có thể lớn nhanh, có thể tăng độ chuyên nghiệp bằng việc trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư từ châu Âu.
Đây là một trong những gợi ý của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Lương Văn Tự tại Hội thảo: Hiệp định EVFTA - Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức.
Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, thì điều quan trọng phải chia sẻ được thông tin cập nhật với doanh nghiệp, làm sao giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, hội tụ đủ năng lực để trở thành nhà cung ứng hàng hóa lâu dài, chất lượng và uy tín với các đối tác tại EU.
“Làm ăn được với nhiều doanh nghiệp châu Âu, ký được FTA với khu vực thị trường có nền kinh tế phát triển cao là điều kiện để tạo ra “thế” cho các doanh nghiệp Việt, khi được các nền kinh tế lớn thừa nhận, trao đổi thương mại, thu hút FDI gia tăng, doanh nghiệp nội cũng tự ý thức nâng mình lên, “lực” từ đó sẽ mạnh lên”, ông Lương Văn Tự nói.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, kinh tế Việt Nam 2019 đã có mức tăng trưởng nhanh, đạt 7,02%, lọt top các nước có tăng trưởng cao. Có được kết quả tăng trưởng này là do Việt Nam đã chủ động hội nhập. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã ký 13 FTA.
“EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng để tận dụng cơ hội thì cần xem thế và lực của Việt Nam ở đâu, mạnh hay yếu ở chỗ nào để vượt qua những trở ngại trong quá trình thực thi hiệp định. Nhiều ngành hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vốn không bị cạnh tranh trực tiếp, mà có tính bổ sung nhiều hơn, nhưng cũng nên xem xét lại các ngành xuất khẩu mũi nhọn, liệu rằng đã phù hợp với thị trường EU chưa, điều chỉnh lại sản phẩm thế mạnh. Quan trọng hơn, tư duy mạnh ai nấy làm của doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi”, ông Hùng nói.
Với EVFTA, chưa nhất thiết doanh nghiệp Việt Nam cứ phải “chạy sang” EU để tìm khách hàng, bởi có nhiều con đường để đi. Doanh nghiệp Việt có thể tính chuyện hợp tác với các doanh nghiệp EU, con đường này có thể còn giúp doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn và từ đó sẽ có cơ hội giao thương với nhiều doanh nghiệp châu Âu.
Theo ông Ngô Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương), khi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, họ luôn hy vọng sẽ tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ. Việc chưa tham gia sâu được vào chuỗi sản xuất toàn cầu chính là thể hiện khả năng đáp ứng còn hạn chế của doanh nghiệp Việt và đó là điều cần cải thiện.
Lợi ích thiết thực nhất của Hiệp định là tương lai lâu dài. Đây cũng là đích đến của EVFTA và các nhà nhập khẩu châu Âu cũng đề cao yếu tố này. Điều còn lại là gia tăng được số lượng doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không bỏ quên thị trường “tiền tươi thóc thật”
Với kinh nghiệm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều năm làm về hội nhập, ông Lương Văn Tự cho rằng, để tận dụng được lợi thế của mỗi FTA, doanh nghiệp phải là chủ đạo, phải chủ động trong tiếp cận thông tin hội nhập để biết ngành hàng của mình đang có lợi thế làm ăn với khu vực thị trường nào.
Đơn cử, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong những năm gần đây, coi trọng chế biến, nên năm qua, xuất khẩu cà phê hòa tan đã đạt 500 triệu USD, nhờ một số dự án của FDI và Trung Nguyên…
“Gần 45% giá trị xuất khẩu của ngành cà phê (trên 3 tỷ USD) của nước ta là xuất sang EU. Việt Nam có FTA với EU, thì lợi thế được mua công nghệ tốt, thu hút thêm lượng vốn FDI vào chế biến cà phê, nên chiến lược để tiếp cận EU phải được doanh nghiệp và ngành triển khai bài bản”, ông Tự nói.
Tuy vậy, đầu tư bài bản để chuẩn hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường tiêu chuẩn cao của các nước phát triển, nhưng không có nghĩa để quên thị trường nội địa.
Ông Tự lưu ý: “Thị trường trong nước vẫn là thị trường “tiền tươi thóc thật”, nên doanh nghiệp nào biết cơ hội này để nâng chất lượng lên thì sống khỏe, nếu chỉ chú trọng xuất khẩy thì chưa chắc đã trúng, vì thế không nhất thiết chỉ nghĩ đầu tư là để xuất khẩu. Việc bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại thị trường nội địa sẽ trở thành bàn đạp vững chắc để tiến ra thế giới.
Cùng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngay cả khi không có Hiệp định EVFTA, thì doanh nghiệp Việt vẫn có thể sản xuất sản phẩm tốt, hãy tiếp cận từ góc độ như vậy để doanh nghiệp Việt cùng trưởng thành, lớn mạnh.