Nghị quyết 06 NQ/TW, bước đột phá cho phát triển đô thị thời kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã diễn ra sáng ngày 18/5/2022 tại Hà Nội.
Gia tăng dân số nhanh chóng đang tạo nhiều áp lực cho công tác quy hoạch đô thị. Ảnh: Thành Nguyễn. Gia tăng dân số nhanh chóng đang tạo nhiều áp lực cho công tác quy hoạch đô thị. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 06 NQ/TW cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác quy hoạch, phát triển đô thị Việt Nam, là cơ sở cho sự ra đời các cơ chế chính sách mới, phát triển đô thị toàn diện và bền vững.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ, những năm qua, phát triển đô thị ở Việt Nam còn tồn tại thực trạng phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, còn gây lãng phí tài nguyên đất đai, kết cấu, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Khả năng tiếp cận dịch vụ công, nhà ở của người nghèo còn thấp, việc điều chỉnh quy hoạch ở nhiều nơi còn hạn chế.

Do đó, thời gian tới Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh. Cùng với đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; có các giải pháp đồng bộ về nhà ở và hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng sống tại các đô thị. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, cả nước có từ 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt đạt 50%, cả nước có từ 1.000 - 1.200 đô thị.

Theo ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ đô thị hóa, trong khi các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh có tỷ lệ đô thị lớn trên 60% thì nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, con số này chỉ khoảng 15%. Việt Nam hiện chỉ xếp 7/10 về tỷ lệ đô thị hóa trong khu vực Asean, do đó, đòi hỏi về đô thị hóa thời gian tới là rất lớn.

Ông Hùng cho rằng, để hiện thực hóa Nghị quyết 06, thời gian tới, các địa phương cần chủ động kiến nghị chính sách từ quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị để thu hút tốt các nguồn lực xã hội. Đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan, phát triển đô thị là câu chuyện lâu dài, do đó, cần có các chương trình phát triển đô thị một cách khoa học đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, với câu chuyện phát triển đô thị, vấn đề hàng đầu là công tác an sinh nhà ở, các tỉnh, thành phố phải dựa trên các nghiên cứu, phân tích về nhu cầu nhà ở, nhất là với các đối tượng yếu thế, từ đó có kế hoạch phát triển nhà ở hợp lý.

Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà ở cũ cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, các tỉnh, thành cần xác định rõ việc các đô thị không nhất thiết phải trở thành trung tâm kinh tế, mà có thể chỉ là các trung tâm hành chính.

Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các công trình giao thông góp phần mở rộng không gian đô thị, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng thực tế cũng cho thấy tầm nhìn trong quy hoạch giao thông còn nhiều hạn chế, mục tiêu đưa ra quá lớn so với nguồn lực khiến việc thực thi gặp khó. Đặc biệt, giai đoạn hậu Covid-19, các địa phương đều vừa dồn lực cho phục hồi kinh tế, vừa tăng tính cạnh tranh nên việc thu hút nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông là không dễ.

"Để công tác phát triển đô thị đạt hiệu quả, thời gian tới rất cần có các đột phá chiến lược, cụ thể là việc tập trung vào các dự án giao thông lớn, tăng tính liên kết vùng, hỗ trợ các cực tăng trưởng phát huy tốt vai trò dẫn dắt", ông Đông cho biết.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại. Để thực hiện điều này, Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, để thành phố có thêm phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh việc thực hiện các quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng trên địa bàn. Đồng thời, xem xét các quy hoạch chung, tổng thể của Hà Nội gắn với vùng đồng bằng sông Hồng để phát huy tối đa nguồn lực cho đô thị hóa.

Hà Nội sẽ hình thành thêm các cực tăng trưởng mới ở phía Bắc gồm các huyện: Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn; phía Tây gồm khu vực: Hòa Lạc – Xuân Mai. Mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2025 có 3 huyện lên quận, đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện lên quận, cùng với đó là việc xây dựng thêm 1 sân bay để phục vụ Thủ đô.

Còn theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nghị quyết 06 có ý nghĩa lớn, gợi mở, tháo gỡ để TP.HCM phát triển đô thị không chỉ cho riêng thành phố mà cả cho cả vùng. Theo đó, thành phố sẽ chọn một số đô thị có lợi thế đặc biệt để tập trung xây dựng thành đô thị có tầm vóc trong khu vực và thế giới.

Hay với cơ chế tài chính thu hút đầu tư, phân cấp, phân quyền cho các ngành mà Nghị quyết đề cập cũng rất mới mẻ, phù hợp để thành phố triển khai quy hoạch hạ tầng đô thị. Đến nay, TP.HCM đã triển khai 11 đề án liên quan về xử lý nước thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển công viên, cây xanh, chuyển đổi số…

Ông Mãi cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ quan tâm hình thành cơ chế đặc thù cho TP.HCM để thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng.

"Hiện có những quận, huyện của thành phố có quy mô dân số gấp 8 lần mức bình quân cả nước, nên rất cần các kế hoạch giải pháp quản lý riêng, đặc thù. TP.HCM đang triển khai mục tiêu 1 triệu nhà ở đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Mãi cho biết thêm.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục