Nghi ngờ hiệu quả của giải pháp đẩy cho vay tín chấp

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo. Đây là một nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm khơi thông vốn và đẩy tăng trưởng tín dụng đang rất ì ạch.
Ngân hàng chỉ xem xét cho vay tín chấp đối với những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi Ngân hàng chỉ xem xét cho vay tín chấp đối với những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi

Không tài sản đảm bảo

Theo nội dung văn bản chỉ đạo của NHNN, các TCTD cần thực hiện một số giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết khó khăn về vốn cho DN. Một trong số đó là xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo.

Hiện tại, lãi suất đã xuống mức khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của các DN trong tiếp cận vốn. Tuy nhiên, nhiều DN không còn tài sản thế chấp, thiếu tài sản đảm bảo đang là khó khăn của hầu hết DN khi tiếp cận vốn ngân hàng. 

Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN, cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với DN. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về vốn cho những DN có dự án kinh doanh tốt, nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. 

Các ngân hàng thương mại cũng sẽ gia tăng được dư nợ tín dụng, vốn ì ạch trong nửa đầu năm. Tín dụng 6 tháng đầu năm mới tăng trưởng 3,52%, so với mục tiêu cả năm là 12 - 14%.

Trên thực tế, không ít ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay tín chấp từ trước đó. Chẳng hạn, HDBank dành 500 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN FDI có nhu cầu vốn để sữa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… Lãi suất trong 6 tháng đầu tiên là 12%/năm đối với loại tiền vay vay bằng VND và 5%/năm đối với loại tiền vay bằng USD. Hay tại Sacombank, ACB, Eximbank, OCB... đều có hình thức vay tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng… 

Tuy nhiên, các ngân hàng kiểm tra khá chặt chẽ dự án sản xuất - kinh doanh của DN. DN muốn được vay vốn bằng dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thì phải có phương án bao tiêu đầu ra; thế chấp bằng dòng tiền thì phải có dự án khả thi.

... chỉ với doanh nghiệp tốt

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho hay, Chính phủ, NHNN có chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách xem xét cho vay tín chấp, song ngân hàng khó có thể cho vay mà không có tài sản đảm bảo. Do đó, khi triển khai tín dụng tín chấp, các ngân hàng có sự chọn lọc khách hàng rất gắt gao, nhất là trước tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng chưa giảm.

“Có ý kiến cho rằng, hoạt động ngân hàng hiện nay không khác gì tiệm cầm đồ cao cấp, nhưng làm trong ngành ngân hàng mới thấy, rủi ro nợ khó đòi rất lớn nên cho vay ra phải có tài sản đảm bảo, nói cách khác là phải nắm đằng chuôi”, vị lãnh đạo trên nói.

Thực tế, 500 tỷ đồng của HDBank dành cho doanh nghiệp FDI vay tín chấp chỉ mới giải ngân được rất ít. Theo lãnh đạo HDBank, việc cấp tín dụng lúc này đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng để tránh rủi ro nợ xấu gia tăng, trích dự phòng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM nêu quan điểm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhưng không phải vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Trái lại, việc kiểm soát chất lượng tín dụng càng phải đặt lên hàng đầu. Do đó, ngân hàng chỉ xem xét cho vay tín chấp đối với những DN có dự án kinh doanh khả thi.

Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với một thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra, nhưng họ thẳng thắn chia sẻ: “thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ra để gánh nợ khó đòi”.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, dư nợ đối với khối DN vừa và nhỏ tại Ngân hàng khó tăng trưởng, cho dù ACB chủ trương đẩy mạnh vốn hỗ trợ khối DN này. Bởi lẽ, DN vay chủ yếu thế chấp bằng dòng tiền, nhưng dòng tiền của DN lại không đảm bảo. Trong khi đó, biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh hiện nay sụt giảm, doanh nghiệp rút vốn vay ra mua tài sản cố định dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, gây nguy cơ không trả được nợ, nên Ngân hàng không cho vay.

Tổng giám đốc một ngân hàng khác cho hay, triển khai tín dụng lúc này đòi hỏi có tài sản thế chấp mới dám cho vay. “Khi DN gặp khó khăn, vỡ nợ, người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là ngân hàng. Vì thế, dù có chủ trương, lãnh đạo các chi nhánh trực thuộc trong Ngân hàng cũng ‘chùn tay’ cho vay tín chấp”, ông nói.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank nhấn mạnh, chỉ cần DN làm ăn nghiêm túc, Ngân hàng sẵn sàng giải ngân. Lãi suất Eximbank cho vay hiện nay khá cạnh tranh, 7 - 8%/năm đối với khách hàng có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi. Nếu DN muốn vay tín chấp thì phải cho Ngân hàng cùng quản lý dòng tiền đó, để đảm bảo tiền cho vay có hiệu quả, đúng mục đích.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng DN thiếu vốn sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào sức mua của thị trường cải thiện, tồn kho DN có điều kiện giảm.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục