Trần lãi suất giảm, nhưng vì sao các ngân hàng vẫn tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, thưa ông?
NHNN Chi nhánh TP. HCM đã có cuộc họp với các NHTM trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN liên quan đến việc điều chỉnh trần lãi suất huy động và áp dụng trần lãi suất cho vay 8%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Nhìn chung, sau 3 ngày thực hiện, các NHTM đã chấp hành nghiêm túc. Mặt bằng lãi suất huy động mới cũng được hình thành đối với kỳ hạn ngắn - từ 5 tháng trở xuống - còn 6%/năm. Còn với kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tuy lãi suất ở một số ngân hàng có nhích nhẹ, nhưng không đáng kể.
Việc điều chỉnh lãi suất huy động lần này theo tôi là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng tăng tỷ trọng kỳ hạn dài để sẵn sàng mở rộng cho vay trung, dài hạn.
Đến thời điểm cuối tháng 2/2014, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM trên địa bàn TP. HCM giảm khoảng 0,54%. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động giảm chủ yếu là từ các tổ chức kinh tế (kể cả bảo hiểm, kho bạc), giảm 5,13%. Điều này cũng phù hợp với quy luật: dịp Tết tháng 1 và 2 là thời gian các tổ chức có nhu cầu chi lương, thưởng, an sinh xã hội. Tiền gửi của khách hàng cá nhân vẫn tăng trưởng tốt, với mức tăng khoảng 3,78% trong 2 tháng đầu năm nay.
Lãi suất giảm, không ít ý kiến cho rằng, khả năng tiền sẽ sớm chảy qua chứng khoán, bất động sản?
Điều đó còn phụ thuộc vào sự cân nhắc của các nhà đầu tư. Có thể với mức lãi suất hiện nay, trong khi chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc, nhà đầu tư sẽ có tính toán. Tuy nhiên, theo tôi, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay vẫn hấp dẫn người gửi tiền, nhất là người có tiền tiết kiệm.
Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm của các NHTM trên địa bàn như thế nào, thưa ông?
Không tăng, cũng không giảm trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi cả nước giảm 1,66% trong 2 tháng đầu năm và giảm 1,05% tính đến 10/3. Đây là xu hướng hợp quy luật: tín dụng thường tăng chậm đầu năm, tăng nhanh cuối năm.
Tín dụng tăng chậm nên ngân hàng dư thừa vốn, và đó cũng là điều kiện để ngân hàng hạ lãi suất huy động. Khi lãi suất giảm thấm vào cơ cấu huy động của ngân hàng thì ngân hàng lại có điều kiện để hạ lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng.
Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng áp dụng khoảng 9%/năm và 10 - 12%/năm với kỳ hạn dài
Có nghĩa, tín dụng chỉ có thể bắt đầu cải thiện từ quý II tới?
Không phải đến quý II mà đầu tháng 3 tín dụng đã có dấu hiệu tăng trưởng. Riêng khu vực TP. HCM, dự kiến đến cuối quý I, tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 0,5%.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% mà Quốc hội đặt ra cho năm nay, cao hơn mức 5,4% của năm 2013, để thực hiện được, ngành ngân hàng cũng phải tham gia thực hiện cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo đó, 2 tháng đầu năm nay, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khó, các NHTM đã tăng cường mua trái phiếu chính phủ - kênh chuyển vốn vào các dự án đầu tư công. Các dự án này khi được khởi hành sẽ có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa là vật liệu xây dựng, từ đó giúp giải phóng hàng tồn kho cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mặt hàng này. Đến lượt điều này lại giúp doanh nghiệp trả được nợ ngân hàng cũng như vay mới phục vụ tái sản xuất mở rộng.
Cơ chế vừa nói là một cách để khai thông điểm nghẽn tín dụng trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh các biện pháp khác như kết nối cung - cầu…
Nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm ngay sau khi ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động?
Hiện đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, các NHTM phải thực hiện nghiêm việc áp trần lãi suất cho vay 8%/năm theo quy định của NHNN kể từ ngày 18/3, cùng thời điểm giảm lãi suất huy động.
Ngoài ra, trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đang thực hiện trên địa bàn TP. HCM, lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng xem xét áp dụng ở mức 8%/năm. Tổng nguồn vốn giải ngân theo chương trình này trong năm nay vào khoảng 20.000 tỷ đồng và có thể cao hơn nếu tiến độ giải ngân nhanh và nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Với các đối tượng nằm ngoài danh sách ưu tiên, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng áp dụng khoảng 9%/năm và 10 - 12%/năm với kỳ hạn dài. Nhưng với các khách hàng có dự án kinh doanh tốt thì lãi suất có thể thấp hơn.
Tiến độ giải ngân các gói vốn ưu đãi mà ngân hàng đưa ra rất chậm. Liệu lãi suất ưu đãi là có thực hay chỉ là hình thức để ngân hàng PR hình ảnh? Theo ông, lãi suất trong thời gian tới có giảm 1 - 2% như kỳ vọng?
Sản phẩm này là có thật. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của các gói vốn ưu đãi có thể chậm, vì các ngân hàng phải chọn được khách hàng tốt mới cho hưởng lãi suất ưu đãi.
Hiện thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Số dư tiền gửi của các NHTM trên địa bàn TP. HCM cao hơn mức dự trữ bắt buộc rất nhiều. Mặt khác, chi phí vốn của các ngân hàng cũng đã giảm xuống khá thấp, cao nhất đối với kỳ dài ngày chỉ xoay quanh 8%/năm. Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng đang rất tích cực. Trong năm 2013, riêng khu vực TP. HCM đã xử lý được khoảng 34.000 tỷ đồng nợ xấu, nếu cộng thêm 2 tháng đầu năm nay, con số nợ xấu đã xử lý là 36.000 tỷ đồng. Từ những điều kiện này, theo tôi, khả năng lãi suất sẽ giảm thêm 1 - 2% trong thời gian tới đây là hoàn toàn có thể.