Sức hút thị trường đang giảm?
Theo kết quả khảo sát của Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 9/2019, có 22,55% tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết đang thiếu lao động; 62,8% TCTD cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm lao động (thấp hơn tỷ lệ dự kiến 64,6% đưa ra tại cuộc điều tra tháng 6/2019); 28,4% TCTD dự kiến giữ nguyên số lượng lao động và 8,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động.
Hiện nay, không ít ngân hàng đã tiến hành cắt giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hoạt động. Chẳng hạn, trong 9 tháng qua, VPBank cắt giảm hơn 2.300 nhân viên ngân hàng, tương đương giảm 20%.
Số lao động làm việc cho VPBank mẹ giảm từ 11.466 người vào đầu năm, xuống 9.144 người tính đến 30/9/2019. Tại OCB, số lượng nhân sự giảm 941 người trong quý III/2019, từ 7.098 người xuống 6.157 người. Trong 9 tháng đầu năm, OCB cắt giảm tổng cộng 1.251 nhân sự.
Báo cáo tháng 9/2019 của VietnamWorks cho biết, nguồn cung lao động ngành ngân hàng tăng 65% trong giai đoạn nửa đầu năm 2018-2019, mức cao nhất trong các ngành.
Theo dự báo nhu cầu tìm việc trong nửa sau năm 2019, ngân hàng là ngành có tỷ lệ người tìm việc cao nhất, với hơn 81% số người được khảo sát.
Tuy nhiên, về phía cầu, ngành này lại không thuộc Top 10 ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Cũng theo VietnamWorks, ngân hàng là một trong những ngành khả năng sẽ khó tìm việc và chuyển việc nhất vào nửa cuối năm nay.
Thiên thời, địa lợi, nhưng nhân phải hòa
Nhìn ở tầm vĩ mô, chúng ta thấy rằng, nghề ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn, với xu thế hướng đến chuyên nghiệp ngày càng cao. Chính vì vậy, hình ảnh và uy tín của một banker “chính hiệu” cũng đã khác với quan niệm trước kia.
Quyết định trở thành banker đồng nghĩa là đã chọn một con đường nhiều thử thách cùng với bao cơ hội. Rất nhiều banker khi mới đi làm thì rất hăm hở, nhưng chỉ sau vài tháng “chạy” KPIs thì thấy đuối, theo không nổi.
Công việc nào cũng đi kèm những áp lực riêng, cho dù đó là giám đốc chi nhánh, giao dịch viên, hay chuyên viên chăm sóc khách hàng. Chính môi trường áp lực này đã giúp thế hệ banker trẻ trưởng thành nhanh hơn trong công việc. Tuổi đời của các lãnh đạo ngân hàng mới bổ nhiệm ngày càng trẻ hơn trong những năm gần là một minh chứng.
Các ngân hàng tại Việt Nam, với kết quả kinh doanh được cải thiện hàng năm, đang phát triển nhanh chóng về công nghệ số.
Theo đó, vấn đề năng suất lao động và năng suất hiệu quả được đo lường thế nào, được khuyến khích, vận động ra sao, được thích nghi như thế nào trong bối cảnh tự động hóa và công nghệ số bùng nổ, ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của lãnh đạo các ngân hàng.
Bởi vậy, giới chuyên gia đều có chung một nhận định là nhân lực của các ngân hàng sẽ còn có nhiều biến động theo tiến trình số hóa trong thời gian tới.
Chẳng hạn, ACB đã triển khai tuyển nhân sự theo tiêu chí 15% số lượng nhân sự cần tuyển liên quan đến công nghệ thông tin như phát triển ứng dụng DevOPs, lập trình, phân tích dữ liệu, công nghệ đám mây UX/UI…
Hay SCB cũng đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động nhân sự nhằm đa dạng hoá hệ sinh thái tuyển dụng, tiếp cận ứng viên linh hoạt qua việc ra mắt website tuyển dụng trực tuyến, fanpage SCB Tuyển dụng.
SCB đã nâng cấp thành công hệ thống phần mềm nhân sự Histaff, nghiên cứu và thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Grow360 trong việc phân tích và đưa ra các giải pháp thông minh.
Thị trường lao động nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng đang đối mặt với sự chuyển dịch ở mức độ cao.
Do đó, các ngân hàng đã chuẩn bị các chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi hấp dẫn để tăng khả năng thu hút nhân sự giỏi. Vietcombank đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2019” của Tổ chức Anphabe, chỉ xếp sau Vinamilk. Bảng xếp hạng này cũng ghi nhận sự thăng hạng vượt bậc của nhiều ngân hàng như Techcombank, SCB, VPBank…
Gần đây nhất, SCB tiếp tục được công nhận là ngân hàng có “Môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam” qua giải thưởng của International Finance Magazine.
Thông tin truyền thông thường nói đến mức lương tại các ngân hàng, nhưng lại không nói chi tiết, cụ thể, nên dễ dẫn đến sự hiểu lầm.
Các banker trẻ nên hiểu rằng, ở bất cứ ngân hàng nào, ngoài thu nhập (lương cố định, thưởng, lương kinh doanh…), yếu tố được quan tâm nhiều không kém là môi trường làm việc, văn hóa tổ chức, kinh nghiệm tích lũy, cơ hội gắn bó, mối quan hệ, khách hàng…
Ðồng thời, một banker muốn khởi nghiệp thành công cần có ít nhất 5 năm đầu tiên cho thời gian học hỏi, tích lũy, sau đó mới là giai đoạn trưởng thành và ổn định.