Khi thị trường biến động mạnh, nhiều người bắt đầu tìm kiếm thông tin, tham gia các room tư vấn, nghe chuyên gia nhận định... Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu những thông tin này có thực sự giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn, hay chỉ khiến họ thêm rối trí?
VN-Index đã dao động phổ biến trong vùng 1.180 - 1.300 điểm suốt từ đầu năm 2024 đến nay, với mốc 1.280 là điểm cản mạnh trong 3 tháng qua. Ngày 19/2/2025, chỉ số vượt qua mốc này, nhưng 1.300 điểm mới là thách thức lớn nhất.
|
Phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng ngày 20/2/2025, thanh khoản thị trường thấp hơn phiên liền trước, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang mông lung, lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh. Thực tế, phần đông nhà đầu tư vẫn “sợ” ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, ngay cả những nhà giao dịch giàu kinh nghiệm cũng tỏ ra thận trọng.
Đáng lưu ý, thị trường xuất hiện rủi ro phân kỳ âm trên đồ thị phân tích kỹ thuật ngày. Cụ thể, nếu VN-Index “gãy” vùng 1.274 - 1.278 điểm, có khả năng đồ thị sẽ xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm, làm tăng nguy cơ điều chỉnh. Ngược lại, thị trường bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm, thì xu hướng tăng có thể duy trì, với sự xác nhận từ các chỉ báo kỹ thuật.
Vậy lúc này, nhà đầu tư nên làm gì? Nếu theo trường phái phân tích kỹ thuật hoặc “lướt sóng” ngắn hạn, việc chờ VN-Index vượt hẳn ngưỡng 1.300 điểm rồi mới tham gia là lựa chọn hợp lý. Bởi lẽ, khoảng cách chỉ là 10 - 20 điểm - thị trường có thể xác nhận xu hướng rõ ràng trong vài phiên tới.
Trường hợp VN-Index chạm 1.300 điểm, nhưng không thể bứt phá, thị trường có thể quay đầu điều chỉnh. Lúc này, “lợi nhuận kỳ vọng” nhỏ hơn nhiều so với rủi ro tiềm ẩn và việc mua đuổi khi xu hướng chưa rõ ràng chẳng khác nào đánh cược trong ván bài chưa lật hết quân.
Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là dự kiến lạm phát 4,5 - 5% và mục tiêu GDP tăng 8%. Đây là con số cho tín hiệu ổn định vững chắc hay tham vọng quá đà?
Lạm phát 5% không phải là rủi ro, mà là một trụ cột ổn định vĩ mô, được duy trì nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tỷ giá và tín dụng, cùng sự cân đối giữa tác động ngoại suy và nội suy. Ngân hàng Nhà nước sẽ không để lạm phát vượt tầm kiểm soát, mà luôn điều tiết cung tiền, hạn chế bơm tín dụng ồ ạt.
Trong khi đó, GDP tăng 8% là một mục tiêu tham vọng, nhưng không phải bất khả thi, nếu các động lực tăng trưởng được phát huy mạnh mẽ. Dòng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất và công nghệ thay vì đầu cơ, đầu tư công bùng nổ, thúc đẩy hạ tầng giao thông, cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI, sẽ là những yếu tố quyết định.
Việt Nam có thể đạt cả hai mục tiêu nếu các chính sách được triển khai đồng bộ, kiểm soát rủi ro tốt và dòng vốn chảy đúng hướng. Do đó, ngưỡng 1.300 điểm của VN-Index sẽ bị chinh phục.
Có một vấn đề cần lưu ý, VN-Index chỉ là tham chiếu, danh mục mới là “chìa khóa” thành công!
Nhiều nhà đầu tư bị cuốn vào từng nhịp dao động của VN-Index, lo lắng khi thị trường chạm mốc kháng cự này hay vượt ngưỡng hỗ trợ kia. Nhưng thực tế, điểm số chỉ là tham khảo, quan trọng nhất vẫn là chất lượng danh mục đầu tư.
Những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm không chạy theo từng biến động nhỏ, mà tập trung vào bức tranh dài hạn. Họ hiểu rằng, một danh mục tốt sẽ mang lại lợi nhuận bền vững, bất kể VN-Index xanh hay đỏ trong ngắn hạn.
Nhìn tổng quan, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, giai đoạn từ năm 2020 tới hiện tại có một sự kết nối xu hướng tăng với đỉnh và đáy nâng cao liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội vẫn còn, nhưng không phải ở mọi cổ phiếu. Thay vì lo lắng thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư nên tập trung rà soát danh mục xem cổ phiếu có còn đủ động lực tăng trưởng trong những năm tới hay không.