
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VEA
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Hiện tại, cổ phiếu của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã VEA – UPCoM) được giao dịch tại mức định giá P/E là 7,4x, thấp hơn 14,9% so với mức bình quân 5 năm là 8,7x. Tại mức giá mục tiêu của BVSC ở cuối năm 2025F, VEA được định giá ở mức 9,1x.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với VEA, giá kỳ vọng 50.200 đồng/CP ở thời điểm cuối năm 2025 dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng cổ tức (DDM).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG
CTCK Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua từ báo cáo triển vọng năm 2025 với cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) và nâng giá mục tiêu lên 38.000 đồng/cp dựa trên bối cảnh phục hồi của ngành thép trong năm tới và thông tin tích cực tới từ thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc được đưa ra.
Luận điểm đầu tư: Thứ nhất là động lực từ đại dự án Dung Quất 2 và thuế chống bán phá giá (CBPG) HRC được thông qua. Hiện tại, dự án Dung Quất 2 của HPG đã đi tới những bước cuối cùng để có thể đi vào hoạt động chính thức, hiện tại dự án đang dừng lại ở mức chạy thử và chờ thuế CBPG chính thức đưa ra. Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của tập đoàn có thể duy trì ở mức 175.000-200.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000 -25.000 tỷ đồng.
Tại ngày 21/2/2025, Bộ Công thương đã chính thức thông báo áp dụng thuế CBPG tạm thời với thép HRC Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 19,38% tới 27,83% với thời gian có hiệu lực sau 15 ngày và áp dụng tạm thời trong 120 ngày. Với mức thuế này, chúng tôi cho rằng thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với HPG. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ của Dung Quất 2 và là thông tin tích cực đối với kỳ vọng giá cổ phiếu.
Thứ hai là ngành thép nội địa duy trì tiêu thụ rất tích cực nhờ giải ngân đầu tư công và dân dụng phục hồi. Tiêu thụ nội địa bớt cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý IV/2024. Ngoài ra, HPG với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần lên 38%. Tiêu thụ thép xây dựng, ống thép của HPG gắn liền với xây dựng trong nước và dự kiến tiếp tục duy trì tốt.
Điểm tích cực đến từ việc thép HRC Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào Việt Nam trong trong tháng 1/2025, cụ thể, mức xuất khẩu thép vào VIệt Nam chỉ đạt 537 nghìn tấn, giảm so với mặt bằng 800 nghìn đến 1 triệu tấn thép mỗi tháng trước đó. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ HRC nội địa khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu hụt hơi.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BID
CTCK BIDV (BSC)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID – sàn HOSE) công bố lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 đạt hơn 9,3 nghìn tỷ (tăng 18% so với cùng kỳ), vượt kỳ vọng của BSC với khoản lợi nhuận đột biến từ kinh doanh chứng khoán đầu tư đạt gần 5,2 nghìn tỷ trong quý (tăng 65%).
Dù vậy, chi phí dự phòng cho vay khách hàng cũng gia tăng đáng kể trong quý IV lên 7,8 nghìn tỷ (tăng 60%) nhằm đẩy mạnh việc xử lý rủi ro nợ xấu hơn 7,6 nghìn tỷ. Lũy kế cả năm 2024, BID ghi nhận 31,4 nghìn tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng 14%), tương đương 104% dự báo của BSC.
Sau kết quả kinh doanh quý IV/2024 vượt kỳ vọng, BSC đưa ra khuyến nghị mua cho BID với giá mục tiêu gần nhất là 47.000 đồng/CP trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch tại P/B TTM = 2.1x, thấp hơn trung bình lịch sử 2.2x, và chỉ nhỉnh hơn vùng giá phát hành riêng lẻ đợt 1 cho các nhà đầu tư tổ chức vừa qua. Dự báo lợi nhuận trước thuế 2025F gần nhất ở khoảng hơn 34,1 nghìn tỷ (tăng 9% so với năm trước).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSB
CTCK BIDV (BSC)
Định hướng kế hoạch kinh doanh 2025 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB – sàn HOSE) với tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, và lợi nhuận trước thuế kế hoạch 8.000 tỷ đồng (tăng 15,8% so với năm trước). Tỷ lệ NIM dự kiến duy trì ở mức 3,6% cho năm nay. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay dự kiến 20% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ của MSB lên 31,2 nghìn tỷ đồng.
Mảng kinh doanh ngoại tệ và trái phiếu chính phủ được ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan trong năm nay, với mức tăng trưởng mục tiêu lần lượt là 30% và 12%.
Ban lãnh đạo MSB cho biết nợ xấu của ngân hàng chủ yếu tới từ khách hàng cá nhân, và kỳ vọng tỷ lệ của nhóm này trong năm tới sẽ giảm hoặc ít nhất đi ngang. MSB cũng dự kiến đặt kế hoạch kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất năm nay ở mức dưới 2%.
Lợi nhuận từ thu hồi nợ xấu hiện chưa nằm trong kế hoạch 8.000 tỷ, nhưng MSB dự kiến có thể thu hồi được hơn 1.000 tỷ từ hoạt động này.
Đối với TNEX, MSB dự kiến phát triển mảng này theo hướng startup ngân hàng số, năm ngoái đã ghi nhận được khoảng hơn 500 tỷ đồng doanh số. Ban lãnh đạo Ngân hàng kỳ vọng mảng này nếu thoái vốn trong tương lai có thể thu về trên 2.000 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2025 của MSB tương đối phù hợp so với dự báo của BSC, do ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, và hướng tới cải thiện chất lượng tài sản. Về định giá, MSB đang giao dịch tại P/B = 0.8x và thấp hơn khoảng 30% so với mức trung bình quá khứ, và thấp hơn khoảng 25% so với mức định giá trung bình ngành hiện tại. BSC đang đưa ra khuyến nghị mua với MSB, với giá mục tiêu 1 năm là 14.000 đồng/CP, tương ứng với upside 21%.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB
CTCK Vietcap (VCI)
Chúng tôi tăng 14,4% giá mục tiêu lên mức 50.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB – sàn HOSE). Mức giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi xuất phát từ tác động tích cực của việc chúng tôi giảm chiết khấu trong mô hình thu nhập thặng dư (RI) từ 10% xuống 5% và mức tăng 11,6% đối với dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2025-2029.
Trong dự báo cập nhật này, chúng tôi giảm chiết khấu trong mô hình RI của chúng tôi từ 10% xuống 5%, do giai đoạn tái cấu trúc của STB đã gần hoàn tất. Ngân hàng công bố rằng việc thanh toán theo từng giai đoạn đối với các khoản nợ vay của Phong Phú (20% trong năm 2023, 40% trong năm 2024, và 40% trong năm 2025) hiện đang diễn ra đúng như dự kiến.
Ngoài ra, STB đang tích cực xin Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) phê duyệt việc bán 32,5% cổ phần thế chấp tại VAMC, với kỳ vọng sẽ được chấp thuận trong năm 2025. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thận trọng giữ nguyên P/B mục tiêu năm 2025 của STB ở mức 1 lần, thấp nhất trong số các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi của chúng tôi.
Chúng tôi tăng dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2025-2029 của chúng tôi, chủ yếu do mức giảm 20,8% đối với chi phí hoạt động và mức giảm 14,1% đối với chi phí trích lập dự phòng. Điều này sẽ bù đắp cho mức giảm 5,2% của thu nhập lãi ròng (NII), do chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo NIM trung bình xuống mức 3,81% (từ mức 4,05%) trong bối cảnh các ngân hàng tập trung bán lẻ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong mảng cho vay.