
VN-Index củng cố nền giá
Mặc dù khởi đầu tuần qua trong trạng thái giằng co dưới ngưỡng 1.280 điểm, VN-Index đã bứt phá mạnh mẽ trong phiên giữa tuần và chinh phục thành công mốc kháng cự quan trọng này.
Sự luân phiên dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu giúp thị trường giữ vững đà tăng, với tâm điểm là nhóm vốn hóa lớn như GVR, VHM, BID, TCB, HPG…, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành ghi nhận diễn biến khả quan, với sự bứt phá của bất động sản, năng lượng, khu công nghiệp, hóa chất và bán lẻ. Nhóm ngân hàng và chứng khoán không tăng mạnh, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng khi các cổ phiếu trong nhóm thay phiên hỗ trợ thị trường.
Khối ngoại góp phần thúc đẩy đà tăng khi quay lại mua ròng trong phiên thứ Tư, giúp VN-Index vượt mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, lực bán của khối này quay trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Các mã MWG, VNM, VCB, NLG, GMD và CTG nằm trong nhóm bị bán ròng nhiều nhất, trong khi dòng tiền mua ròng chủ yếu hướng vào HPG, VCI, GVR, EIB và OCB.
![]() |
Với tâm lý tích cực duy trì và sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các nhóm cổ phiếu, VN-Index tiếp tục củng cố nền giá, hướng đến vùng kháng cự mạnh tiếp theo là 1.300 - 1.310 điểm. Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội giao dịch ngắn hạn, nhưng cần chọn lọc những cổ phiếu có nền giá vững, tránh mua đuổi ở vùng cao. Đồng thời, quản lý rủi ro chặt chẽ, giữ tỷ trọng hợp lý và tránh gia tăng vị thế lớn khi thị trường dự kiến còn nhiều biến động.
Đầu tư công - Tác động lan tỏa
Đầu tư công là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ mở rộng tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng GDP và kích thích nền kinh tế thông qua hiệu ứng lan tỏa đến các ngành liên quan. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có thể là một trong số những giải pháp để hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra.
Khi đầu tư công được tăng cường, các dự án hạ tầng sẽ được triển khai nhanh hơn, với nguồn vốn lớn hơn. Nhờ đó, các doanh nghiệp xây dựng có thể hưởng lợi từ khối lượng công việc gia tăng. Chẳng hạn, trong dự án Sân bay Long Thành, liên danh CC1, CTD và FCN đã trúng thầu hạng mục 11.5, bao gồm thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà để xe thuộc dự án thành phần 3.
Bên cạnh đó, các dự án cao tốc đang được Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cùng với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn đổ vào các dự án hạ tầng.
Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thi công tốt, từng tham gia các dự án hạ tầng lớn và sở hữu khối lượng hợp đồng đã ký kết (backlog) đáng kể. Những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí này nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh trong năm 2025.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng có thể được hưởng lợi gián tiếp khi nhu cầu vật liệu tăng lên theo đà phát triển của ngành xây dựng. Nhà đầu tư có thể theo dõi nhóm doanh nghiệp thép, đá xây dựng và nhựa đường để tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp.
Dài hạn hơn, đầu tư công được kỳ vọng có thể cải thiện hạ tầng là một động lực rất mạnh cho ngành bất động sản, bao gồm bất động sản dân dụng và công nghiệp. Việc các chính sách thu hút FDI liên tục được triển khai cũng như tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản có thể tạo hiệu ứng cộng hưởng cho các doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ cho sự phục hồi của nhóm ngành này.