Ngập hầm xe, dân chung cư mới giật mình!

(ĐTCK)  Sự cố ngập nước tầng hầm để xe của một chung cư cao cấp trong trận mưa lớn tại Hà Nội mới đây dù không gây thiệt hại về tài sản, nhưng một lần nữa khiến cư dân nhiều tòa chung cư lo lắng, không rõ khi thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai?
Đến lúc ngập hầm, câu hỏi trách nhiệm thuộc ai mới được đặt ra

Cư dân chung cư bối rối

Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng, cư dân Hà Nội bàn tán khá sôi nổi về chủ đề này, bởi thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, ngập lụt xảy ra tại nhiều nơi, nguy cơ ngập hầm để xe rất lớn, trong khi đó, khi tại đa số chung cư hiện nay, hầm xe thuộc quyền sở hữu chung của chủ đầu tư và cư dân.

Không rõ việc phân định trách nhiệm bồi thường sẽ ra sao nếu không may xảy ra sự cố ngập hầm, gây thiệt hại về tài sản, trong đó có xe của cư dân. Đó là chưa kể, tại nhiều tòa nhà hỗn hợp căn hộ - trung tâm thương mại - văn phòng, lượng xe của các khách hàng đến giao dịch gửi ở tầng hầm cũng rất lớn.

Tại các khu chung cư hiện nay, dịch vụ quản lý (trong đó có dịch vụ trông giữ xe) thường do một đơn vị quản lý vận hành đảm nhiệm (do chủ đầu tư lập ra hoặc chỉ định). Tuy nhiên, việc trông giữ xe tại các tầng hầm lại không thể hiện bằng hợp đồng, mà chỉ được thể hiện thông qua một phiếu gửi xe (chỉ có thông tin về xe, số điện thoại có thể liên lạc được với chủ xe trong trường hợp khẩn cấp (cháy nổ, ngập nước).

Khảo sát của ĐTCK tại một số khu chung cư tại Hà Nội như Tràng An, Hapulico, Trung Hòa Nhân Chính, cư dân tại đây không rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp ngập nước tầng hầm sẽ thuộc về bên nào vì trong hợp đồng mua bán nhà đều không có điều khoản nào về việc xử lý tình huống này.

Trước bối rối trên, các cư dân đã liên hệ đến đường dây nóng của Ban quản lý tòa nhà, nhưng được cho biết là đang chờ bộ phận pháp chế rà lại hợp đồng đã ký với bên bảo hiểm về trách nhiệm bồi thường, nên chưa có câu trả lời cuối cùng về việc phân định trách nhiệm.

Theo đại diện nhà bảo hiểm PJICO, việc cư dân các tòa nhà chung cư có được bồi thường cho xe ngập nước hay không phải căn cứ vào điều khoản trong hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư với bên bảo hiểm.

"Nếu chủ đầu tư mua bảo hiểm trách nhiệm cho mọi hoạt động của chủ đầu tư, nhưng loại trừ điều khoản liên quan đến hầm gửi xe, thì cư dân sẽ không được bồi thường trong trường hợp ngập nước”, đại diện PJICO nói.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện chủ đầu tư một chung cư cao cấp tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đã mua hai loại bảo hiểm, đó là bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (bao gồm cháy nổ bắt buộc) cho các hạng mục tài sản phần chung và phần riêng của chủ đầu tư và bảo hiểm trách nhiệm công cộng với hạn mức trách nhiệm tham gia là 50 tỷ đồng. 

Vai trò bảo hiểm ở đâu?

Câu chuyện ngập hầm đã từng xảy ra ở nhiều chung cư lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, gây thiệt hại về xe dẫn đến tranh chấp. Vì thế, trước tốc độ phát triển nhanh của chung cư tại Hà Nội, rủi ro về ngập hầm cũng như tranh chấp đang hiện hữu, nhiều cư dân chung cư cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về xe không may ngập nước phải được thể hiện rõ trong văn bản để có căn cứ pháp lý giải quyết.

Theo anh Đỗ Việt Dũng, cư dân Tràng An Complex, để tránh xảy ra tranh chấp khi có sự cố thiệt hại về tài sản do ngập lụt, đã đến lúc phải bổ sung vào hợp đồng mua bán nhà hoặc ký thêm một thỏa thuận về điều khoản này.

Khi xe của cư dân bị hư hỏng do hầm bị ngập nước, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường. Bởi lúc mua nhà coi như cư dân đã mua chỗ để xe, có đóng phí bảo trì tòa nhà, phí giữ xe, nên khi có sự cố mà lỗi từ tòa nhà, thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm.

“Chất lượng thiết kế thuộc trách nhiệm bên bán, cùng chịu lượng mưa lớn như nhau, nhưng đâu phải dự án nào cũng bị ngập. Thế nên, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này”, một cư dân Ecopark nói.

Trước câu chuyện rủi ro ngập hầm để xe, câu chuyện trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản khi xảy ra sự cố cháy nổ, động đất, thiên tai, những trường hợp bất khả kháng, tại các dự án chung cư cũng đang được đặt ra.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài việc trông chờ vào trách nhiệm mua bảo hiểm của chủ đầu tư cho mọi rủi ro hay toàn bộ hoạt động của tòa nhà, cư dân hay chủ xe nói chung nên mua thêm các sản phẩm bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm vật chất xe toàn diện (bao gồm điều khoản về bảo hiểm thủy kích) để chủ động trong việc bảo vệ tài sản của mình. 

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục