Ngành y dược Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với động lực then chốt là đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 25/9, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược” với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo Đổi Mới Sáng Tạo - Liều Thuốc Phát Triển Ngành Y Dược” sáng 25/9. Ảnh Dũng Minh. Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo Đổi Mới Sáng Tạo - Liều Thuốc Phát Triển Ngành Y Dược” sáng 25/9. Ảnh Dũng Minh.

Hội thảo đã tạo diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, những động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành y tế, và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược”, Hội thảo đưa ra những góc nhìn phân tích khách quan về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành y dược Việt Nam; về các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành y dược trong giai đoạn mới, những động lực mới, vai trò của các bên liên quan, cũng như những bài học kinh nghiệm từ các nước. Đồng thời, chỉ ra những rào cản và đề xuất các giải pháp thiết thực để tháo gỡ, giúp ngành y dược Việt Nam tận dụng được hết thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại khai mạc hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mục tiêu chung đặt ra trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/1/2024.

Một trong các quan điểm chủ đạo của Chiến lược này là hệ thống y tế được đổi mới, phát triển bảo đảm công bằng, hiệu quả, chất lượng, với mục tiêu cụ thể là công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, nghiên cứu và phát triển dược, thiết bị y tế được chú trọng; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đổi mới về chăm sóc sức khỏe đang tăng tốc ở quy mô chưa từng có, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số. Những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo và chỉnh sửa gen, thực tế ảo… đang làm thay đổi cách phát hiện và điều trị bệnh, thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng ngành y dược Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với động lực then chốt là đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số. Ảnh Dũng Minh.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng ngành y dược Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với động lực then chốt là đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số. Ảnh Dũng Minh.

Riêng trong lĩnh vực dược phẩm, một trong những ngành phát triển thần tốc, mạnh mẽ nhất và trở thành động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, có giá trị thị trường trong top 3 tại ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý; trở thành trung tâm dược phẩm giá trị cao trong khu vực vào năm 2030 và đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

"Không thể phủ nhận thực tế rằng thời gian qua, ngành y dược Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với động lực then chốt là đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số, góp phần giải quyết những thách thức mà hệ thống y tế đang đối mặt, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành, cũng như nâng tầm năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường mới nổi khác", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo Tổng biên tập Báo Đầu tư, để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.

Để làm được điều này một cách hiệu quả, những xu hướng lớn trên thế giới rất cần được nhận diện và cập nhật kịp thời, những bài học kinh nghiệm hay từ thực tiễn các quốc gia đi trước rất cần được tham khảo, và những ý kiến chuyên môn sâu sắc từ các bên liên quan sẽ hết sức hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý để ngành y dược bước vào giai đoạn phát triển mới.

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược” thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực y, dược tham dự. Ảnh Dũng Minh

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược” thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực y, dược tham dự. Ảnh Dũng Minh

"Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược” của chúng ta hôm nay diễn ra trùng hợp với thời điểm Quốc hội chuẩn bị xem xét biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016, và cũng không còn nhiều thời gian trước khi đất nước bước sang năm 2025, một dấu mốc quan trọng trong các kế hoạch, lộ trình và chiến lược phát triển ngành y dược Việt Nam", ông Minh nhấn mạnh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục