Ngành xi măng và chuyện dài tiết kiệm điện

(ĐTCK) Với lượng sản xuất và tiêu thụ dự kiến 71 - 73 triệu tấn trong năm 2015, đợt tăng giá điện 7,5% khiến ngành xi măng phải chi thêm khoảng trên 600 tỷ đồng. Một trong những việc để giảm tải lượng điện lưới tiêu thụ là tận dụng nhiệt khí thải (WHR) lò nung để phát điện, đã được đề cập đến từ nhiều năm, thế nhưng, rất ít doanh nghiệp triển khai.
Đầu tư hệ thống WHR để tiết kiệm điện, nhưng ít doanh nghiệp xi măng thực hiện vì vốn đầu tư quá lớn - Ảnh: Hoài Nam Đầu tư hệ thống WHR để tiết kiệm điện, nhưng ít doanh nghiệp xi măng thực hiện vì vốn đầu tư quá lớn - Ảnh: Hoài Nam

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nếu tất cả các nhà máy lớn đều đầu tư hệ thống WHR thì ít nhất sẽ tự túc được 20% lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ KWh điện mỗi năm. Vì thế, tháng 3/2011, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất xi măng triển khai và xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống WHR. Đối với các nhà máy đầu tư mới có công suất lò từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên, áp dụng WHR là điều kiện bắt buộc và chậm nhất đến ngày 31/12/2014, các nhà máy này phải đầu tư xong. Dù vậy, đến năm 2015, số nhà máy đầu tư hệ thống này chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Holcim, Công Thanh, Hà Tiên 2-2.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về lý do vì sao chấp nhận giá điện tăng, mà chưa đầu tư hệ thống WHR, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp xi măng cho rằng, mức đầu tư cho hệ thống này rất lớn (thường vào khoảng 2 triệu USD/1MW), nên doanh nghiệp phải “lựa cơm gắp mắm”.

Đơn cử, năm 2011, Holcim đầu tư hệ thống này cho trạm điện 6,3 MW có tổng mức đầu tư 28 triệu USD (tương đương trên 600 tỷ đồng), trong đó có 10 triệu USD dùng cho bảo trì. Như vậy, mức đầu tư của một nhà máy đã bằng số tiền điện chênh lệch của toàn ngành phải trả thêm trong năm 2015 khi điện tăng giá.

Tại Việt Nam, tổng công suất của các nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên là 68,75 triệu tấn, nếu xây dựng trạm phát điện WHR, thì công suất phát điện dự kiến khoảng 240 MW, tương đương tổng số vốn cần có để xây dựng khoảng 480 triệu USD. Như vậy, suất đầu tư cho hệ thống này ít nhất cao gấp 2 lần so với việc dùng điện từ lưới điện quốc gia, khiến các nhà máy gặp khó.

Hơn nữa, không chỉ trở ngại về vốn, mà công suất của trạm phát còn phụ thuộc vào lưu lượng và nhiệt độ khí thải, lượng khí để sấy nguyên liệu và than, cùng nhiều yếu tố khác. Vì thế, không phải tất cả các dây chuyền có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày đều có thể xây dựng hệ thống WRH. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện xây dựng hệ thống WHR, thì thời gian hoàn vốn của các dự án này khoảng 3 - 5 năm, như thời gian hoàn vốn của Holcim là 4 năm, trong khi lãi vay ngân hàng hiện vẫn còn khá cao.

Ngay cả Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2, sau khi được Tổ chức Phát triển nguồn năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản tài trợ một phần thiết bị để đầu tư 1 trạm phát điện nhiệt khí thải công suất 2,95KW, nhưng sau 4 năm xây dựng, chạy thử tải và 7 năm hoạt động, trạm phát điện nhiệt khí thải này cũng chỉ phát ra 105 triệu KWh. Trạm điện này hiện nay hoạt động ổn định, đều đặn hơn, nhưng hiệu quả lớn thì chưa thể khẳng định.

Ông Lê Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khi còn giữ cương vị Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã thẳng thắn thừa nhận, vốn đầu tư là trở ngại lớn trong việc đầu tư hệ thống WRH, dù vẫn biết “việc này không thể không làm”.

Hiện VICEM vẫn đang triển khai các bước đầu tư hệ thống WHR, nhưng đây là danh mục không nằm trong phần “đầu tư trọng điểm” của đơn vị.

Không chỉ VICEM, hầu hết các nhà sản xuất xi măng cũng có quan điểm như trên. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư hệ thống này.

Đơn cử, Xi măng FICO đang chuẩn bị các bước đầu tư hệ thống WRH cho dây chuyền 1, công suất khoảng 6 MW, mức đầu tư dự kiến từ 9 - 12 triệu USD. Ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết: “Mỗi nhà máy có một cách tính khác nhau để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tôi không bình luận việc có hay không sử dụng hệ thống WRH của các nhà máy khác. Đối với FICO, việc lắp đặt hệ thống WHR về lâu dài sẽ giúp Nhà máy chủ động hơn trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là giảm được khí thải”.

Xi măng FICO hiện đang đầu tư dây chuyền 2 có công suất 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm. Dây chuyền 2 cũng được lắp đặt hệ thống WHR có công suất tương đương và 2 dây chuyền tương thích cho nhau.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trung Kiên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục