Ngành xi măng, cứ thay chủ là... có lãi!

Nhiều nhà máy xi măng như Đồng Bành, Cẩm Phả, Áng Sơn… đã dần được “lột xác”nhờ các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).
Nhiều nhà máy xi măng như Đồng Bành, Cẩm Phả, Áng Sơn… đã dần được “lột xác”nhờ các thương vụ mua bán - sáp nhập Nhiều nhà máy xi măng như Đồng Bành, Cẩm Phả, Áng Sơn… đã dần được “lột xác”nhờ các thương vụ mua bán - sáp nhập

Tập đoàn Xuân Thành vừa chính thức mua lại Nhà máy Xi măng Minh Tâm (tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) từ chủ đầu tư cũ là Công ty cổ phần Miền Đông (mã chứng khoán MDG trên sàn HOSE).

Nhà máy Xi măng Minh Tâm có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào quý IV/2011 và dự kiến, ra sản phẩm vào quý IV/2013. Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Miền Đông làm ăn thua lỗ (riêng năm 2014 lỗ trên 40 tỷ đồng), nên Dự án đã không thể triển khai theo đúng tiến độ. Cuối cùng, Công ty cổ phần Miền Đông đã buộc phải nhượng lại cho Xuân Thành.

Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Dự án Xi măng Minh Tâm có công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm, mỏ nguyên liệu có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong 50 năm.

Đại diện Công ty cổ phần Miền Đông cho biết, tính đến cuối năm 2014, doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án này 27 tỷ đồng.

Với việc sở hữu Xi măng Minh Tâm, Tập đoàn Xuân Thành đang thể hiện rõ con đường Nam tiến trong việc đầu tư phát triển các nhà máy xi măng và mở rộng địa bàn hoạt động.

Cũng khoảng thời gian này năm 2013, Nhà máy Xi măng Xuân Thành Quảng Nam, công suất 2 triệu tấn, được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng (khởi công ngày 10/7/2010) đã chính thức đưa ra thị trường những tấn xi măng đầu tiên.

3 năm trở lại đây, ngành xi măng có tốc độ thực hiện tái cấu trúc khá mạnh mẽ với nhiều thương vụ M&A diễn ra thành công.

Điển hình là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mua lại Xi măng Cẩm Phả, Tập đoàn Semen Indonesia mua lại Nhà máy Xi măng Thăng Long, Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành, Hà Nam, Đô Lương (đổi tên thành Sông Lam 1), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) mua Xi măng Áng Sơn (Quảng Bình)…

Diễn ra gần như cùng thời điểm với Tập đoàn Xuân Thành mua Xi măng Minh Tâm, Tập đoàn Xi măng The Vissai cũng đã công bố sở hữu thêm một dự án nữa là Ximăng Dầu khí 12/9 (Nghệ An) và đổi tên thành Xi măng Sông Lam 2.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, những thương vụ M&A trong ngành xi măng thời gian qua được ví như một “liều thuốc”  mạnh, giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp xi măng đang làm ăn bết bát, đứng trên bờ vực phá sản.

Đơn cử như Xi măng Đồng Bành (nay là Vissai Lạng Sơn), là dự án được đầu tư bằng vốn Nhà nước, được Chính phủ cho phép đầu tư năm 2005, với tổng vốn 1.298 tỷ đồng, công suất 910.000 tấn xi măng/năm. Tuy nhiên, quá trình đầu tư đã điều chỉnh tăng lên 1.505 tỷ đồng. Đáng nói là, vốn chủ sở hữu chỉ có 205,5 tỷ đồng, thi công chậm so với quyết định đầu tư 54 tháng.

Dự án Xi măng Đồng Bành được đầu tư bởi các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (Mie), Công ty Xi măng Lạng Sơn.

Xi măng Đồng Bành gia nhập thị trường xi măng vào cuối năm 2010, sau 4 năm xây dựng, nhưng chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động, đơn vị này đã lỗ nặng và không có khả năng trả nợ, rơi vào nhóm 5 dự án đặc biệt khó khăn của ngành xi măng (bên cạnh các nhà máy xi măng Thái Nguyên, Tam Điệp, Hạ Long và Cẩm Phả) cần phải tái cấu trúc khẩn trương.

Dù trong tình trạng bị thua lỗ nặng trong nhiều năm, phải dừng sản xuất một thời gian dài do không còn vốn sản xuất, nhưng sau khi được Tập đoàn Vissai mua lại, chỉ sau 4 tháng khắc phục, lắp đặt thiết bị… đến tháng 7/2013, Xi măng Đồng Bành đã cho ra lò sản phẩm mới đầu tiên. Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy này đã bắt nhịp cùng guồng máy chung của các nhà máy thuộc Vissai.

So với 4 năm trước, cục diện của ngành xi măng tại thời điểm này được đánh giá đã đỡ khó hơn nhiều, do những dự án yếu kém kể trên đã được về tay chủ mới. Sản phẩm tồn kho luôn ở trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngành xi măng vẫn đang diễn ra không kém phần mạnh mẽ.

Ngay đầu năm 2015, Vicem đã công bố mua lại Xi măng Sông Thao (Phú Thọ) làm ăn kém hiệu quả và giao cho Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhìn vào các thương vụ M&A gần đây trong ngành xi măng, có thể thấy rõ, đa số các thương vụ M&A đều được thực hiện theo mô hình: tập đoàn, doanh nghiệp lớn mua lại các dự án không hiệu quả để gia tăng quy mô sản xuất, cung ứng xi măng.

“Đó cũng là xu thế tất yếu và được cơ quan quản lý nhà nước của ngành xi măng nhận định từ vài năm trước”, ông Tới nhấn mạnh.

Thế Hoàng
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục