Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, công văn đề nghị nâng công suất xi măng Trung Sơn do UBND tỉnh Hòa Bình gửi Văn phòng Chính phủ đã được chuyển về Bộ Xây dựng.
“Bộ Xây dựng chưa có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình liên quan tới việc điều chỉnh nâng công suất Dự án Xi măng Trung Sơn, bởi còn chờ quy trình khảo sát, thẩm định thực tế tại Nhà máy, cũng như kết quả làm việc với các bộ, ngành liên quan”, ông Tới nói.
Xi măng Trung Sơn là dự án nằm trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/2005/QT-TTg ngày 16/5/2005.
Chủ đầu tư của Xi măng Trung Sơn là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đến nay, Nhà máy đã đi vào hoạt động và sản xuất xi măng rời mác PC30 và PC40.
Theo Văn bản 135/UBND-CNXD do ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký, hiện Nhà máy Xi măng Trung Sơn được cấp 1 mỏ đá vôi tại xã Trung Sơn với diện tích khai thác 23,19 ha và 1 mỏ sét tại xã Tân Thành (Lương Sơn) diện tích 15 ha; mặt bằng xây dựng nhà máy là 54,7 ha.
Dây chuyền công nghệ và một số hạng mục đầu tư như kho chứa nguyên liệu đầu vào, thành phẩm, trung tâm điều khiển vận hành… đảm bảo năng lực sản xuất 5,5 – 6 triệu tấn xi măng/năm.
Để tận dụng nguồn nguyên liệu hiện có, mặt bằng nhà máy và những công trình phụ trợ đã đầu tư, UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng và nâng công suất Nhà máy từ 910.000 tấn xi măng/năm lên 5,5 triệu tấn xi măng/năm. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung Dự án vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Tới, hiện chưa thể nói gì về tính khả thi của việc có được nâng công suất hay không, bởi để điều chỉnh công suất một dự án xi măng, cần phải xem xét, đánh giá rất nhiều yếu tố liên quan.
“Những yếu tố cần phải cân nhắc, đánh giá kỹ bao gồm tổng cung cầu xi măng tại thời điểm Dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng, đưa sản phẩm ra thị trường; nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước tại thời điểm đó; nguồn nguyên liệu đảm bảo cho việc sản xuất khi Dự án tăng công suất; dây chuyền, công nghệ…”, ông Tới cho biết.
Cần phải nói thêm, Nhà máy Xi măng Trung Sơn vừa được đưa vào hoạt động từ năm 2014 và so với nhiều tên tuổi trong ngành xi măng, Xi măng Trung Sơn vẫn là “lính mới”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các dự án xi măng trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, đánh giá dự báo cung cầu thị trường, tính khả thi các dự án, để đề xuất báo cáo tiến độ Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015.
Như vậy, đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về việc nâng công suất Nhà máy Xi măng Trung Sơn cũng như bổ sung dự án này vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 chưa chắc đã được chấp thuận.