Ngành xi măng đã hết ảm đạm, nhưng chưa “tốt đều”

(ĐTCK) Thị trường tiêu thụ xi măng trong 11 tháng đã hoàn thành kế hoạch cả năm, cán đích 64,46 triệu tấn. Dự kiến, sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2014 tăng không dưới 12%, vượt so với dự báo 6%.
11 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng nội địa đạt 46,16 triệu tấn, xuất khẩu 18,3 triệu tấn 11 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng nội địa đạt 46,16 triệu tấn, xuất khẩu 18,3 triệu tấn

Xuất khẩu tăng mạnh

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Dù chưa hết tháng 12, nhưng dự kiến sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2014 sẽ tăng không dưới 12%, vượt so với dự báo 6%. Bức tranh tiêu thụ đã có mảng sáng nhất định. Một số nguyên nhân quan trọng là Nhà nước đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, thị trường bất động sản ấm lên và nhu cầu xây dựng trong dân vẫn tăng”.

Ông Tới cho biết thêm, trong những tháng cuối năm, giá bán xi măng trong nước tăng nhẹ khoảng 50.000 đồng/tấn, giá xuất khẩu ngày càng cao và tỷ lệ xi măng xuất khẩu tăng. Công suất các nhà máy đang được khai thác trên 90%, các dây chuyền xi măng lò đứng đã hoàn thành sứ mệnh của mình và hiện chỉ còn 1 - 2 dây chuyền sản xuất clinker ở vùng sâu, vùng xa sử dụng công nghệ này.

Trong 11 tháng đầu năm, mức tiêu thụ xi măng nội địa đạt 46,16 triệu tấn, bằng 108% cùng kỳ năm ngoái và đạt 94% kế hoạch năm. Xuất khẩu đạt 18,3 triệu tấn, bằng 143% cùng kỳ năm ngoái và đạt 122% kế hoạch năm. Biểu đồ tiêu thụ cho thấy, tiêu thụ xi măng tăng chủ yếu nhờ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ tăng so với dự kiến khoảng 2%.

Chưa “tốt đều”

Trao đổi với ĐTCK, đa số lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất xi măng khẳng định, tiêu thụ bớt khó khăn hơn, còn khả quan thì chưa. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều chuẩn bị kịch bản riêng cho thị trường tiêu thụ của mình.

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả chia sẻ: “Sau khi cải tạo nâng công suất lò nung lên 5% và cải tạo máng xuất xi măng, Công ty đang đẩy mạnh tiêu thụ xi măng trong nước và giảm bớt xuất khẩu, cho dù xuất khẩu vốn là thế mạnh của doanh nghiệp. Tiêu thụ nội địa vẫn là mục tiêu của hầu hết các nhà sản xuất, xuất khẩu chỉ là giải pháp khi tiêu thụ trong nước gặp khó. Chẳng hạn, năm 2012, tỷ lệ xuất khẩu của Xi măng Cẩm Phả là 45% thì năm 2014 là 15%. Thị trường trong nước tốt lên thì Công ty sẽ điều chỉnh tỷ lệ để thu về lợi nhuận tối đa”.

Tại khu vực phía Nam, Xi măng FICO có mức tiêu thụ tăng 10% so với năm trước. FICO đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt đầu tư dây chuyền 2 với công suất dự kiến khoảng 1,4 triệu tấn/năm.

“Công ty đang thực hiện thăm dò, tính toán trước khi quyết định đầu tư. Theo tính toán sơ bộ thì dây chuyền 2 sẽ được đầu tư đúng như dự kiến và FICO cũng đang chuẩn bị thị trường tiêu thụ khi sản phẩm ra lò”, ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO nói.

Nhìn chung, ngành xi măng đã “sáng” lên, một số doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2014. Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch cho hay, trong 11 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu của Công ty đã vượt kế hoạch năm. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt trên 400 tỷ đồng, so với con số 313 tỷ đồng kế hoạch.

Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận “tốt lỏi”, chứ không phải tốt đều. Vinacomin - thương hiệu xi măng gia nhập thị trường được 4 năm, sản lượng tiêu thụ vẫn chưa có nhiều cải thiện. Một trong những nguyên nhân là địa bàn tiêu thụ của Công ty vận chuyển bằng đường bộ, trong khi Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt xử lý xe quá tải. Giá bán xi măng của Vinacomin có tăng lên, nhưng chưa vượt qua được mốc 1 triệu đồng/tấn. Sở dĩ đơn vị này giữ giá thấp vì giá vẫn là lợi thế của Vinacomin để giữ địa bàn tiêu thụ truyền thống và mở sang các địa bàn mới.

“Năm nay đã có lãi, nhưng lãi không nhiều, khoảng 30 tỷ đồng”, lãnh đạo Vinacomin chia sẻ.

Hiện tại, những “ông lớn” trong ngành đang chuẩn bị bước vào cuộc cạnh tranh mới nhằm giành thị phần trong nước, nhưng cũng không quên thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu xi măng và clinker sang Băng-la-đét chiếm 49% (trị giá 287,04 triệu USD) tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. VICEM Hà Tiên đang có kế hoạch lấy lại thị phần đã “bỏ rơi” tại Campuchia, cho dù mức tiêu thụ tại thị trường này vẫn quá nhỏ.

Trung Kiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục