Di sản - bản sắc văn hóa - truyền thống
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng được biết đến là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc bộ. Trong những năm qua, ngành văn hóa và thể thao luôn chủ động triển khai và phối hợp với các sở, ngành, địa phương, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, các nguồn lực xã hội để góp phần xây dựng sự nghiệp văn hóa, thể thao của Thành phố thật sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững”.
Thật vậy, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, ngành văn hóa Hải Phòng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, như góp phần vào việc tổ chức thành công các ngày lễ lớn, tổ chức các sự kiện của đất nước và Thành phố; các hội thi, hội diễn, văn nghệ, thể dục thể thao. Năm 2023, ngành đã tạo dấu ấn lớn khi triển khai rất hiệu quả Đề án Sân khấu truyền hình.
Có thể khẳng định, Đề án Sân khấu truyền hình đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hải Phòng. Các chương trình có chủ đề, nội dung tư tưởng nhằm khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng xưa và nay.
NSND Tự Long, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Đề án Sân khấu không chỉ là kênh sân khấu lan tỏa, mà còn là một kênh học đường. Mọi người có thể tìm hiểu lịch sử Hải Phòng, con người Hải Phòng thông qua kênh truyền hình này. Đây chính là điều mà Hải Phòng đang làm rất tốt thông qua Đề án”.
Ngoài triển khai hiệu quả nhiều chương trình, vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình, ngành văn hóa và thể thao Hải Phòng còn đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hoá, thể thao quốc gia, như Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam và khai mạc du lịch Đồ Sơn 2023, Hội thi Tuyên truyền lưu động và triển lãm tranh cổ động “Biển và Hải đảo Việt Nam”; các cuộc thi sáng tác mỹ thuật và ca khúc. Qua đó, khẳng định được năng lực tổ chức các hoạt động có quy mô lớn, đồng thời phát huy hiệu quả công tác quảng bá về TP. Hải Phòng.
Hoạt động văn học nghệ thuật của Thành phố có những tác động tích cực đối với thị hiếu, tâm tư tình cảm của nhân dân và sự phát triển chính trị, kinh tế - xã hội của Thành phố và đất nước. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, lan tỏa trong đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, các vận động viên của Thành phố tham gia thi đấu 135 giải thể thao trong nước và quốc tế, giành 535 huy chương các loại.
Hải Phòng còn là thành phố có bề dày truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu, với 555 di tích được xếp hạng các cấp. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích cấp quốc gia, 434 di tích cấp thành phố, 21 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể giúp việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, những giá trị chân, thiện, mỹ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, được nhân rộng. Đây là nền tảng tạo nên một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 45 ngày 16/9/2023 của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản sản thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nói riêng, các loại hình di sản văn hóa truyền thống nói chung đã và đang được Thành phố duy trì và phát huy giá trị, góp phần phát triển bền vững theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.
Đầu tư, phát huy vai trò động lực
Năm 2024 là năm thứ 7 kể từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Có thể thấy rõ, nguồn lực đầu tư cho văn hóa bước đầu đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc trong từng địa phương và cả nước. Với Hải Phòng, phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa và thể thao đã tăng khoảng 14%. Nhiều cơ sở văn hóa, thể thao được các địa phương đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được quan tâm triển khai và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển công nghiệp văn hóa tại Hải Phòng, cần xác định văn hóa là một dạng tài nguyên, sau đó cần có công nghệ, quy trình để khai thác tài nguyên đó. Khi khai thác, cần có sản phẩm đặc sắc để từ sản phẩm đó thu được lợi ích về kinh tế, về giáo dục. Đây là một gợi mở tốt để Hải Phòng có những chủ trương, chính sách thu hút sự chung tay phát triển văn hóa của “ba nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư.
Được biết, để tiếp tục phát huy vai trò động lực của ngành văn hóa và thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện Đề án, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tiếp tục duy trì thực hiện, phát huy các chương trình như “Sân khấu truyền hình”, “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”; giữ nguyên cả 5 đoàn nghệ thuật (Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa rối, Ca múa nhạc) để tiếp tục tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ cống hiến; xây dựng các video tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử của Thành phố; số hóa di sản...
Thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Từ đó, biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản, thực hiện có hiệu quả những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Theo bà Mai, với nguồn vốn văn hóa dồi dào, chủ thể của những điểm đến di sản đã và đang không ngừng xây dựng những sản phẩm văn hóa ấn tượng, giàu bản sắc từ chất liệu riêng có. Điều này không chỉ giúp tôn vinh, quảng bá điểm đến, mà còn góp phần khơi nguồn sáng tạo từ tài nguyên di sản. Và Hải Phòng đang triển khai các mục tiêu cụ thể cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngành văn hóa và thể thao Hải Phòng đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng xây dựng, hoàn thiện các hoạt động trải nghiệm, các cuộc trưng bày, triển lãm ngày một sáng tạo, hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản, nâng sức hấp dẫn cho điểm đến, từng bước thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển.
Về lâu dài, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố cần có những phương pháp, chủ trương phù hợp để xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, lễ hội nói riêng, với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo ra giá trị vật chất và làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, du khách. Đây là chủ trương chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ cấp thành phố đến cơ sở và doanh nghiệp làm du lịch, văn hóa của Hải Phòng.
Việc thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học vào công tác bảo tồn di tích, di sản sẽ là cầu nối đưa các di tích lịch sử - văn hóa đến gần hơn với cộng đồng. Từ đó, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng trong hiện tại và tương lai.