Hải Phòng: Lễ hội truyền thống Đảo Dấu - nơi ghi dấu đảo thiêng

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024, Lễ hội truyền thống Đảo Dấu (quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) diễn ra từ ngày 10/3 - 18/3 (tức từ ngày mùng 1/2 - 9/2 năm Giáp Thìn).
Hải Phòng: Lễ hội truyền thống Đảo Dấu - nơi ghi dấu đảo thiêng

Ngày 10/3, UBND quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) đã tổ chức Lễ dâng hương, nghi thức thượng cờ Lễ hội đảo Dấu năm 2024. Lễ dâng hương diễn ra tại Đền Nghè; Lễ thượng cờ diễn ra tại đảo Dấu (cùng thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn).

Lễ thượng cờ được tổ chức nhằm bày tỏ mong ước “quốc thái dân an” và nhắc nhở các thế hệ con cháu giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ về quê hương; lòng tôn kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công “khai sơn phá thạch”, lập nên mảnh đất Đồ Sơn; khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng và lãnh đạo quận Đồ Sơn dâng hương tại Lễ hội

Lãnh đạo TP. Hải Phòng và lãnh đạo quận Đồ Sơn dâng hương tại Lễ hội

Năm nay, Lễ hội đảo Dấu được tổ chức từ ngày 10 - 18/3 với nhiều hoạt động đặc sắc. Ngoài Lễ thượng cờ khai hội, Ban tổ chức Lễ hội sẽ tổ chức Lễ rước đàn và bày đàn; Lễ phát tấu; Lễ dâng hương chính hội. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống là các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, như hội cờ tướng, Chương trình liên hoan Diễn xướng Hát Văn và Hát Chầu Văn Đồ Sơn do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Nhật (tức Hoàng Gia Bổn) - Thủ nhang Đền Long Sơn (Đền Cô Chín Suối Rồng, Đồ Sơn), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tín ngưỡng Thờ Mẫu Hải Phòng dàn dựng.

Liên hoan Diễn xướng Hát Văn và Hát Chầu Văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II

Liên hoan Diễn xướng Hát Văn và Hát Chầu Văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II

Sân khấu ngoài trời được thiết kế công phu và độc đáo, với sự góp mặt của 9 nghệ nhân, thanh đồng từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, hứa hẹn mang đến những tiết mục diễn xướng đầy ấn tượng, giúp khán giả hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa tâm linh trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt” - Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Đảo Dấu còn có các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Đảo Dấu còn có các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, công tác chuẩn bị lễ hội đã được quận Đồ Sơn đặc biệt chú trọng, nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu vào, ra đón khách.

Với 6 phương tiện thủy, sức chở từ 18 - 45 khách đều thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, thủ tục cấp giấy phép và có chứng chỉ đón tiếp khách du lịch. Trên mỗi phương tiện đều bố trí áo phao cứu hộ cho từng hành khách. Giá dịch vụ vận chuyển và vé tham quan danh lam thắng cảnh được niêm yết công khai ngay tại bến tàu với giá 90.000 đồng/người.

Nhân dân và du khách được phát túi bảo vệ môi trường

Nhân dân và du khách được phát túi bảo vệ môi trường

Ngoài ra, điểm mới năm nay tại Lễ hội là với thông điệp “Chung tay vì đảo Hòn Dấu - điểm đến không rác nhựa”, Ban tổ chức chuẩn bị hàng nghìn túi vải bảo vệ môi trường để phát cho các đoàn, du khách mang lễ, đồ ăn lên đảo, khuyến khích người dân, du khách mang rác về lại đất liền. Trên túi vải bảo vệ môi trường in những dòng chữ nhắn nhủ du khách “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh”, “Đừng để lại gì ngoài những dấu chân” để đảo Hòn Dấu luôn sáng - xanh - sạch đẹp - văn minh.

Đảo Dấu (còn gọi là đảo Hòn Dấu) có diện tích 12,5 km2, cách đất liền quận Đồ Sơn khoảng 700m. Đây là một hòn đảo nguyên sinh, trên đảo không có hộ dân sống cố định. Phần lớn diện tích đảo được bao bởi rừng nguyên sinh nên không khí trong lành. Trên đảo có 35 cây đa búp đỏ từ 400 đến 700 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2013. Bao quanh đảo là những gềnh đá nhấp nhô, quanh năm sóng vỗ.

Trên đảo có đền thờ Nam Hải Thần Vương, một vị tướng nhà Trần đã hi sinh trong trận thuỷ chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng, UBND quận Đồ Sơn long trọng tổ chức Lễ hội đảo Dấu từ ngày mùng 1/2 – 10/2 Âm lịch (hội chính diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8,9,10 tháng 2 Âm lịch) để cầu cho Quốc thái dân an. Trong lễ hội có tục rước đèn và thả thuyền giấy vào giờ Tý (23h ngày mùng 9/2 Âm lịch). Tàu bè đi Bắc về Nam đều qua cửa đền cầu mong được che chở trước sóng to gió lớn, cầu cho một năm đi biển thuận lợi, được mùa. Du khách đến đền thờ Nam Hải Thần Vương cầu được mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc.

Hiện nay, trên đảo có 5 đền, chùa là đền thờ Nam Hải Thần Vương, đền - chùa Sơn Lâm, đền Mẫu, đền - chùa Đông Phương và đền - chùa Nam Phương.

Tại đảo Dấu còn có ngọn hải đăng dẫn tàu ra vào cảng Hải Phòng, có chiều cao 63,5m so với mực nước biển, được thiết kế theo hai phần chính gồm tòa trưng bày và tháp đèn. Đây là công trình do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1896 và đi vào hoạt động từ tháng 6/1898.

Hải đăng đảo Dấu có chiều cao 63,5 m so với mực nước biển, được thiết kế theo hai phần chính gồm tòa trưng bày và tháp đèn

Hải đăng đảo Dấu có chiều cao 63,5 m so với mực nước biển, được thiết kế theo hai phần chính gồm tòa trưng bày và tháp đèn

Với những giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa, năm 2009, đảo Hòn Dấu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh thắng quốc gia.

Theo Ban tổ chức Lễ hội, từ 8h00’ ngày 11/3/2024 (ngày 2/2 năm Giáp Thìn) sẽ diễn ra Lễ rước đàn và bày đàn; từ 16h00’ ngày 18/3/2024 (ngày 9/2 năm Giáp Thìn) diễn ra Lễ phát tấu; Lễ dâng hương chính hội diễn ra từ 23h05’, ngày 18/3/2024 (đêm 9/2 năm Giáp Thìn).Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống sẽ được tổ chức đan xen như: Hội cờ tướng diễn ra vào ngày 10/3 và 11/3 (tức ngày 1/2 và 2/2 năm Giáp Thìn); Liên hoan Diễn xướng Hát Văn và Hát Chầu Văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II diễn ra vào tối ngày 17/3 và 18/3 (tức mồng 8 và 9/2 năm Giáp Thìn).

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục