Theo hiệp hội trên, ngành công nghiệp thép của Việt Nam mới chỉ vừa bắt đầu phát triển và vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các biện pháp hạn chế từ thị trường nước ngoài.
Cụ thể, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ đạt 445 triệu USD, chiếm trên 1,6% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó, thép Việt Nam đang đối mặt với hai vụ điều tra của Mỹ với hậu quả là thép Việt có nguy cơ bị áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung hoặc hạn ngạch.
Tổng thống Mỹ mới đây đã công bố sẽ đưa quyết định cuối cùng ngày 11/4/2018 về việc áp dụng một trong ba biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì mục đích an ninh quốc gia do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất ngày 11/1/2018.
Cụ thể, thuế nhập khẩu với thuế suất tối thiểu 53% đối với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam và áp dụng hạn ngạch tối thiểu 100% đối với các quốc gia khác; hoặc, áp dụng hạn ngạch 63% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia; hoặc thuế nhập khẩu toàn cầu với mức tối thiểu 24%.
Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, đối với trường hợp Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.
"Đây chính là biện pháp phân biệt đối xử, đẩy Việt Nam vào tình huống khó khăn và nguy cơ bị triệt tiêu, mất thị trường là thấy rõ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản, thua lỗ, khiến đời sống của hàng triệu lao động gặp khó khăn", Hiệp hội này nêu ý kiến.
Đối với biện pháp thứ hai – hạn chế hạn ngạch 63% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Tình huống xấu có thể xảy ra mà doanh nghiệp thép Việt phải đối mặt đó là lượng xuất khẩu sẽ giảm cực mạnh vào khoảng 37%, tương đương với 164 triệu đôla doanh thu xuất khẩu năm 2017 và ảnh hưởng tới toàn ngành một cách nghiêm trọng về lâu dài.
Biện pháp thứ 3 – áp dụng mức chung tối thiểu là 24% dù được coi là ít tác động nhất nhưng vẫn gây thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp Việt, theo đánh giá của Hiệp hội.
“Đứng trước tình hình này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét có biện pháp kịp thời ngay trong nửa đầu tháng 3/2018”, văn bản kiến nghị của Hiệp hội thép Việt Nam nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trước ngày 11/4/2018, Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng và thời hạn cho các nước hành động trong đó có Việt Nam vào khoảng một tháng nữa.