Tiêu thụ tăng vọt trong mùa mưa
2017 là năm chứng kiến những diễn biến lạ của ngành thép. Nói lạ là bởi, theo quy luật nhiều năm trước, sau quý I và quý II sôi động, ngành thép sẽ bước vào quý III trầm lắng, do tháng 7 – 8 là giai đoạn mưa nhiều, nhu cầu xây dựng giảm.
Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá chậm, với 6,43 triệu tấn thép được tiêu thụ thì từ cuối tháng 6, tiêu thụ thép xây dựng bất ngờ tăng đột biến, nâng tổng sản lượng thép tiêu thụ trong 6 tháng lên hơn 7,8 triệu tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng thép xây dựng tiêu thụ trong 6 tháng đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, cuối tháng 6, các doanh nghiệp thép tại phía Nam đã chạy hết công suất, có doanh nghiệp chạy vượt công suất thiết kế nhưng vẫn “cháy hàng”. Hầu như không có doanh nghiệp nào tồn kho thép xây dựng thời điểm ấy.
Nhu cầu thép xây dựng tăng cao, cộng với giá thép trong nước tăng theo đà tăng của giá thép trên thị trường thế giới giúp các doanh nghiệp trong ngành có một mùa thấp điểm nhiều tin vui. Khởi đầu quý III, tiêu thụ thép các loại trong nước đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu thép đạt 2,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 26% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép đang có những kết quả kinh doanh ngoài mong đợi trong đầu quý III năm nay.
Riêng trong tháng 7/2017, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 908.008 tấn. Đây là tháng có sản lượng tiêu thụ lớn thứ 2 tính từ 3 năm trở lại đây. Tháng có sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cao nhất là tháng 3/2016 với 1 triệu tấn. Như vậy, trái với lo ngại tháng 7, tháng bắt đầu mùa mưa lại là tháng tiêu thụ thép mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng được hưởng lợi về giá khi giá thép thế giới tăng mạnh. Giá thép xây dựng trong nước hiện giao động quanh mức 12,1 - 12,4 triệu đồng/tấn, tăng 15 - 17% so với thời điểm giữa tháng 7.
Các doanh nghiệp ngành thép đã nắm bắt nhanh cơ hội từ những thay đổi tích cực của thị trường để có đòn bẩy tăng trưởng trong quý III và cuối năm.
Đà tăng có kéo dài?
Cùng với diễn biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép, các cổ phiếu nhóm ngành này đã khởi sắc.
Đặc biệt, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã xác lập đà tăng mạnh. Sau giai đoạn dài giao dịch quanh mốc 2x, HPG đã đạt 35.100 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất lịch sử (sau khi đã pha loãng) trong phiên giao dịch đầu tháng 9.
Đây là phiên thứ 9 liên tiếp cổ phiếu này phủ màu xanh trên sàn HOSE. HSG đã đóng cửa ở mốc 29.850 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 4/9, sau một thời gian lình xình ở mốc 26.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng với sức nóng trên thị trường, cổ phiếu ngành thép đã “nóng” trong mùa mưa năm nay. Liệu đà tăng trưởng tốt về sản lượng tiêu thụ và giá thép có duy trì trong quý IV?
Có hai yếu tố cần lưu ý: Thứ nhất, trong tháng 9, tháng 10, cao điểm mùa mưa bão, dự báo thị trường có nhiều biến động.
Trong khi đó, theo phân tích của VSA, sản lượng thép tiêu thụ tăng mạnh từ tháng 6 tới nay không phải xuất phát từ sức cầu thực sự, mà do nhà thương mại đầu cơ khi giá thép trên thị trường thế giới tăng.
Giá thép trong nước đang ảnh hưởng nhiều bởi đà tăng mạnh của giá thép Trung Quốc, nhưng các chuyên gia nhận định, trật tự ngành thép sẽ sớm được lập lại và trở về phản ánh đúng giá thực, nhu cầu thực của thị trường.
Tại Trung Quốc, Hiệp hội Thép Trung Quốc (CISA) đã đưa ra cảnh báo: Giá thép tăng vọt tại thị trường này thời gian gần đây không phải do nhu cầu gia tăng hoặc nguồn cung giảm, mà chỉ là sự phóng đại thông tin về việc cắt giảm công suất thép dư thừa, ngưng lò cảm ứng. CISA đã chứng minh, việc đóng cửa lò cảm ứng không gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung thép.
Với tốc độ tăng trưởng đột biến của ngành thép trong đầu quý III, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho rằng ngành thép có thể cán mốc tăng trưởng 12% trong năm nay như dự báo từ đầu năm. Bên cạnh đó, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc để đạt mục tiêu kinh doanh cùng nhiều chiến lược bán hàng được tung ra.