Ngành quỹ chờ “giải nghẽn” cơ chế

(ĐTCK) Khó khăn trong triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới đang khiến dư địa phát triển của ngành quản lý quỹ chật hẹp.
Ngành quỹ chờ “giải nghẽn” cơ chế

Khó triển khai sản phẩm mới

Các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường quỹ đầu tư hiện khá đơn điệu, các công ty quản lý quỹ chủ yếu triển khai sản phẩm quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu.

Một số nghiệp vụ, sản phẩm mới đã được pháp luật cho phép triển khai, nhưng các công ty quản lý quỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, điển hình như tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán phái sinh từ khi khai trương hoạt động tháng 8/2017 đến nay khiến các công ty quản lý quỹ sốt ruột, rất muốn tham gia thị trường nhiều tiềm năng này nhưng đến nay chỉ biết... ngó trông.

Theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát chưa sẵn sàng triển khai nghiệp vụ giám sát quỹ đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Vướng mắc này hiện chưa có hướng tháo gỡ. Đây cũng là lý do giải thích tình trạng nhà đầu tư tổ chức hiện vắng bóng trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới gần 98% tổng số nhà đầu tư tham gia.

Các công ty quản lý quỹ đang trông đợi sự vào cuộc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong việc đưa ra hướng dẫn mang tính kỹ thuật, để thúc đẩy ngân hàng giám sát triển khai nghiệp vụ giám sát, qua đó mở đường cho quỹ đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Nếu vướng mắc trên không sớm được tháo gỡ, thì dự kiến vào khoảng tháng 8 - 9/2018, khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, thêm một lần nữa các quỹ đầu tư sẽ không có cơ hội tham gia triển khai sản phẩm này.

Một sản phẩm thông dụng trên thị trường quỹ quốc tế là quỹ hưu trí, đến nay do thiếu cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, nên không biết chính xác thời điểm nào Việt Nam mới có quỹ hưu trí đầu tiên đi vào hoạt động. Hay như quỹ đầu tư bất động sản, mặc dù thị trường ghi nhận quỹ đầu tiên do Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) thành lập năm 2016, nhưng đến nay chưa có thêm quỹ nào được thành lập và đưa vào hoạt động.

Đề xuất mở “đất mới”

Cùng với đề xuất UBCK, Bộ Tài chính sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trên, để mang lại cơ hội phát triển mới cho ngành quỹ, ý kiến từ phía các công ty quản lý quỹ còn kiến nghị cơ quan quản lý bổ sung quy định pháp lý theo hướng tạo ra dư địa phát triển mới cho ngành quỹ.

Theo đó, trong quá trình xây dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được triển khai, UBCK nên bổ sung loại hình quỹ mở thành viên, thay vì quy định hiện hành chỉ cho phép quỹ mở là quỹ đại chúng, nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư. Loại hình quỹ mở thành viên hiện phổ biến tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan...

Về đề xuất trên, ông Nguyễn Quang Long, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK cho biết, quỹ mở thành viên dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nếu bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi thì vướng về kỹ thuật xây dựng văn bản, vì quy định này khá chi tiết. Do đó, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn, mà không nhất thiết phải đưa vào luật.

Ý kiến từ thị trường còn đề xuất Luật Chứng khoán sửa đổi cho phép các quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập dưới các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCK, cơ quan quản lý khuyến khích vấn đề này.

Luật Chứng khoán đã có một chương quy định về công ty đầu tư chứng khoán với 2 loại hình gồm công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Nếu các quỹ được chuyển thành công ty thì vấn đề chủ thể có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, sau 5 năm cơ chế cho công ty đầu tư chứng khoán ra đời và hoạt động đã định hình tại Thông tư 227/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, đến nay chưa có một công ty đầu tư chứng khoán nào được thành lập. Nguyên nhân của tình trạng này là do các vướng mắc về thuế.

Thực trạng trên cho thấy, để tạo dư địa phát triển mới cho ngành quỹ, vấn đề trọng yếu là cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế. Điều này đang chờ sự vào cuộc của UBCK, Bộ Tài chính không chỉ trên khía cạnh sớm ban hành các cơ chế mới trong thẩm quyền, mà còn tích cực kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành hệ thống cơ chế mới để tiếp sức cho ngành quỹ nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung phát triển năng động, hiệu quả hơn.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục