Lạc quan với ngành quỹ

(ĐTCK) Ngành quản lý quỹ Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân, phân khúc vốn được đánh giá rất tiềm năng, mạnh dạn bỏ tiền vào quỹ đầu tư. Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn lạc quan về tương lai ngành quỹ. 
Lạc quan với ngành quỹ

Tổng giá trị tài sản mà các quỹ mở đang quản lý còn khiêm tốn so với GDP tại Việt Nam. Theo ông, cần có những giải pháp gì để hỗ trợ thêm cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ trong thời gian tới?

Mặc dù ngành quản lý quỹ nội địa chỉ mới thành lập được hơn 15 năm, nhưng đã có sự phát triển đáng khích lệ. Hiện trên thị trường có 30 quỹ đầu tư chứng khoán (quỹ đại chúng chiếm 73%), bao gồm 1 quỹ đóng, 8 quỹ thành viên, 18 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 1 quỹ đầu tư bất động sản. Tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến 31/5/2017 là hơn 5.000 tỷ đồng. Hầu hết các quỹ đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng khá ổn định.

Để ngành quản lý quỹ phát triển thuận lợi hơn, theo tôi, sẽ cần nhiều yếu tố và điều kiện đi kèm, nhưng tựu trung lại có ba điểm sau cần tập trung.

Thứ nhất, tập trung vào việc gia tăng quy mô thị trường chứng khoán, trong đó thúc đẩy nhanh và quyết liệt hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cung hàng hóa chất lượng cho thị trường, tăng thanh khoản, rút ngắn thời gian thanh toán, cơ chế tạo lập thị trường, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, để từ đó đạt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu lên 70% GDP và dư nợ thị trường trái phiếu là 30% GDP…

Một khi thị trường đủ lớn, đủ hấp dẫn và có nhiều hàng hóa tốt, tự nó sẽ hấp dẫn dòng tiền đầu tư từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Đây cũng là mục tiêu lớn trong kế hoạch của Chính phủ trong việc phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới.

Thứ hai, tăng cường đào tạo và củng cố kiến thức cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ về vai trò của các quỹ, những lợi ích khi tham gia đầu tư vào thị trường tài chính thông qua quỹ. Nhà đầu tư Việt Nam hiện đang có nhiều sự lựa chọn hơn trước kia. Tuy nhiên, việc đầu tư vào quỹ vẫn chưa được phổ biến và chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn.

Trong khi đó, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân là rất lớn và chỉ tập trung ở những kênh truyền thống như bất động sản, chứng khoán, hoặc gửi tiết kiệm. Chỉ có thể nâng cao sự hiểu biết về quỹ cho nhà đầu tư thì mới có thể hy vọng thu hút tài sản từ họ.

Thứ ba, ưu đãi về chính sách thuế dành cho nhà đầu tư tham gia vào quỹ, đặc biệt với những sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện vốn mang tính dài hạn. Việc ưu đãi chính sách thuế sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp cũng như người tham gia quỹ hưu trí nhận diện rõ những lợi ích của mô hình này và tự nguyện tham gia nhiều hơn và từ đó gia tăng lượng tài sản cho ngành quản lý quỹ.

Giới làm quỹ hiện nay đều cho rằng, phân khúc nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam rất tiềm năng. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Mặc dù nhà đầu tư trong nước vẫn còn thói quen thích tự quản lý và tự đầu tư, nhất là trên thị trường chứng khoán, nhưng xu hướng này đã thay đổi sau những thăng trầm của thị trường các năm vừa qua, khiến cho khá nhiều người bị thua lỗ nặng nề.

Những năm gần đây, tôi quan sát thấy các nhà đầu tư cá nhân đã dần nhận biết vai trò và sự hiệu quả của việc tham gia đầu tư thông qua các quỹ mở, tin tưởng hơn vào chuyên môn đầu tư của quỹ và mạnh dạn hơn trong việc giao vốn cho quỹ.

Tín hiệu tích cực thể hiện trên quy mô tài sản ngành quản lý quỹ tăng dần qua các năm, cũng như số lượng khách hàng cá nhân tại các quỹ. Tuy nhiên, bản thân công ty quản lý quỹ khi tiếp cận thị trường tiềm năng này phải có chiến lược phù hợp trong việc chọn đúng phân khúc khách hàng, chọn đúng kênh phân phối và chọn đúng phương pháp tiếp cận thì mới hy vọng khai thác tốt tiềm năng của thị trường.  

Kể từ khi ngành quỹ ra đời cách đây 12 năm, đến nay, đã có thêm những hình thức đầu tư mới với sự ra đời của quỹ ETF, quỹ REIT và dự kiến sắp tới là quỹ hưu trí. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển này?   

Để phát triển ngành quản lý quỹ rộng lớn về quy mô và đa dạng về sản phẩm, đòi hỏi thị trường tài chính phải phát triển và lớn mạnh. Nếu thị trường tài chính chưa đạt được mức độ phát triển và đa dạng về lựa chọn đầu tư thì rất khó để tạo nên nhưng sản phẩm khác có tính đột phá. Sự phát triển của các loại hình quỹ mới đã thể hiện sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây.

Đặc biệt, sự phát triển đó đi kèm với sự hồi phục và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô Việt Nam với những thành tựu rất ấn tượng, như dự trữ ngoại hối cao kỷ lục từ trước đến nay, lượng đăng ký vốn đầu tư FDI vào Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và chính sách tiền tệ rất ổn định trong thời gian vừa qua. Chắc chắn điều này sẽ mở ra một cơ hội mới cho ngành quản lý quỹ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và tôi rất lạc quan với triển vọng của ngành. 

Theo ông, quỹ nội nên làm gì để thu hút được dòng tiền đầu tư của nước ngoài bên cạnh thị trường nội địa?           

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam vì tính hấp dẫn và khả năng tìm được lợi nhuận tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, họ cần phải xem xét và chọn lựa quỹ nội có đủ năng lực để quản lý dòng vốn của họ.

Vì vậy, để quỹ nội thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì trước tiên, bản thân các quỹ phải chứng minh được năng lực và hiệu quả hoạt động của mình, cơ chế phí phù hợp, và có chiến lược tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài hợp lý.

Sử dụng quỹ ETF để thu hút dòng vốn ngoại cũng là một lựa chọn hợp bởi đầu tư qua ETF nội sẽ tránh được cơ chế trần sở hữu đang áp dụng với các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phan Hằng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục