Chứng khoán thăng hoa, ngành quỹ thắng lớn

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự báo, ngành quỹ đã có một năm 2017 tăng trưởng đột phá về cả số lượng quỹ và hiệu quả đầu tư của các quỹ. Trên nền tảng đó, và việc nhiều công ty quản lý quỹ đang chuẩn bị cho ra đời nhiều sản phẩm quỹ mới, ngành quỹ được dự báo tiếp tục có một năm 2018 sôi động.
Chứng khoán thăng hoa, ngành quỹ thắng lớn

2017: Năm tăng trưởng đột phá

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2017, có 35 quỹ đầu tư đang hoạt động trên thị trường chứng khoán; trong đó có 21 quỹ mở, 1 quỹ đóng, 10 quỹ thành viên, 2 quỹ ETF và 1 quỹ đầu tư bất động sản. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ tại thời điểm cuối tháng 10/2017 là 12.591 tỷ đồng, tăng 75,58% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng ấn tượng trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trong sự tăng trưởng chung của toàn ngành quỹ, khu vực quỹ mở có sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả quy mô và số lượng. Thị trường đã chứng kiến sự ra đời của 4 quỹ mở mới trong năm qua, bao gồm Quỹ Đầu tư trái phiếu SSIBF, Quỹ Đầu tư trái phiếu VTBF, Quỹ Đầu tư cổ phiếu VESAF và Quỹ Đầu tư cân bằng MAFBAL.

Với sự ra đời của hai quỹ trái phiếu mới, tổng số quỹ mở trái phiếu tại Việt Nam đã được nâng lên 6 quỹ. Mặc dù số lượng còn ít, nhưng quỹ trái phiếu lại tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất về tài sản, chủ yếu nhờ quy mô vượt trội của Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcombank.

Quy mô ngành quỹ hiện đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016, từ mức xấp xỉ 3.500 tỷ đồng lên hơn 7.200 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này đến từ hai yếu tố: Tăng trưởng của tài sản đầu tư và dòng tiền mới của nhà đầu tư. Điều này chứng tỏ với kết quả đầu tư hiệu quả, quỹ mở đang ngày càng chứng tỏ sức hút đối với các nhà đầu tư.

Đơn cử, Công ty Quản lý quỹ Techcombank (TechcomCap) đã bứt phá ngoạn mục về kết quả kinh doanh, với mức lãi từ chưa đến 65 triệu đồng trong năm 2016 lên mức 11,4 tỷ đồng trong năm 2017. Với vốn điều lệ thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của TechcomCap thuộc hàng cao nhất trong nhóm công ty quản lý quỹ có công ty mẹ là ngân hàng.

Thêm vào đó, Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcombank tiếp tục phát huy lợi thế từ kênh huy động của ngân hàng mẹ với mức huy động hơn 1.200 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2017, nâng quy mô quỹ lên hơn 2.000 tỷ đồng

Sau TechcomCap, Vinawealth đã chứng tỏ là một trong những công ty quản lý quỹ bán lẻ tốt nhất thị trường, khi các quỹ (trừ Quỹ VESAF mới thành lập) do Công ty quản lý đều tăng trưởng 2,3 - 3,9 lần về quy mô tài sản.

Gần một nửa số quỹ trên thị trường (8 quỹ) có mức tăng trưởng trên 30% trong 11 tháng đầu năm 2017, có thể kể đến như Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCB-BCF) (31,3%), Quỹ Đầu tư Năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF) tăng 36,4%, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) tăng 39%, Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) tăng 40,8%... Đặc biệt, Quỹ Đầu tư cổ phiếu Bảo Việt (BVFED) đứng đầu thị trường về hiệu quả hoạt động có mức tăng trưởng lên tới 43%.

Hiệu quả đầu tư của các quỹ mở cũng phản ánh đúng xu hướng của thị trường chứng khoán năm 2017, khi các quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng tài sản cao hơn nhiều so với quỹ đầu tư trái phiếu. Mặt bằng lãi suất trái phiếu ở mức thấp nhất, khiến cho các quỹ trái phiếu đạt mức tăng trưởng cao nhất là xấp xỉ 15% (dẫn đầu là Quỹ BVBF – 14,59%, theo sau là VFMVFB tăng 14,29%). Tuy nhiên, so với lãi suất tiền gửi ngân hàng cùng kỳ hạn (từ 7%/năm), mức tăng trưởng này của các quỹ đầu tư trái phiếu vẫn tốt hơn rất nhiều.

Trong khi đó,  thị trường cổ phiếu vào thời điểm tháng 11 đã chinh phục mức đỉnh 10 năm qua kéo theo sự tăng trưởng của một số quỹ mở. Có thể kể đến như Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng (BVPF) khi 10 tháng đầu năm Quỹ chỉ đạt mức tăng trưởng 1,46% nhưng lại tăng trưởng tới 8,43% trong tháng 11.

Dòng tiền sẽ chảy mạnh vào kênh đầu tư quỹ mở

Xét về huy động vốn, năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng đột phá của thị trường quỹ mở Việt Nam. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm, tổng giá tài sản ròng của các quỹ mở đạt 6.917 tỷ đồng, tăng 103,32% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng trưởng đột biến trong 4 năm trở lại đây. Các kênh huy động vốn cũng khá đa dạng, từ các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, ngân hàng.

Các quỹ đầu tư năm 2017 hưởng lợi rất nhiều từ nền tảng kinh tế vĩ mô cùng định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Theo dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2017, lạm phát mặc dù có xu hướng tăng so với năm 2017 do ảnh hưởng của chính sách nới lỏng tiền tệ ở trong nước và giá hàng hóa thế giới có xu thế đi lên nhưng dự báo vẫn ở duy trì ở mức thấp. Dòng vốn đầu tư nước ngoài kỳ vọng sẽ gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn, môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác cho thấy không có nhiều cơ hội để kiếm được lợi nhuận vượt trội trong trung và dài hạn hoặc có nhiều rủi ro. Thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định, không có sự biến động lớn để có thể đầu cơ.

Trong khi đó, ngoại tệ vẫn là kênh cho lợi suất thấp nhất trong vòng 4 năm nay, do Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tỷ giá. Thị trường bất động sản chứng kiến cơn sốt trong giai đoạn 2016 - 2017 và là kênh đầu tư truyền thống, tuy nhiên nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rủi ro sốt ảo.

Trong bối cảnh như vậy, mặc dù vẫn có một số rủi ro đến từ kinh tế thế giới, dự báo xu hướng dòng tiền khá tích cực đối với quỹ đầu tư trong năm 2018, đặc biệt với các quỹ mở. Bên cạnh đó, với việc nhiều công ty quản lý quỹ đang chuẩn bị cho ra đời nhiều sản phẩm quỹ mới ra đời, năm 2018 được dự báo là năm thực sự sôi động với ngành quản lý quỹ, tạo bước đà vững chắc trong sự phát triển của ngành trong tương lai gần

Chứng khoán thăng hoa, ngành quỹ thắng lớn ảnh 4

11 tháng đầu năm 2017, BVFED tăng trưởng 43,37%

Quỹ Đầu tư năng động Bảo Việt (BVFED) vừa có báo cáo hoạt động tháng 11/2017. Tại kỳ định giá cuối cùng của tháng 11, giá trị tài sản ròng trên 1 chứng chỉ quỹ BVEFD (NAV/chứng chỉ quỹ) đạt mức 15.956 đồng, tăng 12,86% so với tháng trước đó. Chỉ riêng trong tháng 11, hiệu quả của Quỹ đạt xấp xỉ 13%, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với các kênh đầu tư khác. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11, Quỹ đạt mức tăng trưởng 43,37%.

So với mức tăng trưởng không mấy ấn tượng của 10 tháng đầu năm, trong tháng 11, BVPF bất ngờ tăng trưởng với giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ ghi nhận mức 11.004 đồng

Trong tháng 11 này, Quỹ đã thực hiện hóa lợi nhuận đối với một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành thực phẩm - đồ uống và dịch vụ vận tải, thu về mức lợi nhuận xấp xỉ 429 triệu đồng. Như vậy, tính tới kỳ giao dịch cuối cùng của tháng 11, Quỹ BVPF đã tăng trưởng 8,43% so với tháng trước và 10,01% kể từ đầu năm.

Khoảng thời gian cuối năm, Quỹ BVBF thường tăng trưởng không đáng kể, trung bình mỗi kỳ tăng khoảng 0,1%. Tại kỳ định giá cuối cùng của tháng 11, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ của Quỹ BVBF đạt 12.371 đồng. Như vậy, Quỹ đã tăng 0,54% so với tháng trước và đạt mức 14,49% tăng kể từ đầu năm. Nhờ kết quả đầu tư tích cực, một số nhà đầu tư đã thực hiện hóa lợi nhuận, quy mô Quỹ do đó sụt giảm nhẹ còn xấp xỉ 103 tỷ đồng. 

Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục