Lo ngại tăng chi phí đầu vào, nông nghiệp và nông dân khó khăn
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Tại phần thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên diện không chịu VAT cho ngành phân bón, với quan điểm bảo vệ nông dân và nông nghiệp (do lo ngại tăng giá đầu vào), bao gồm: đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông), đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An), đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà)...
Trong đó, bà Lê Thị Song An cho rằng, nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì Nhà nước và doanh nghiệp có thể sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại là người chịu thiệt thòi nhất.
Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là vô cùng cần thiết. Việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón có thể mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và nền kinh tế nói chung.
"Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng dẫn đến giá thành nông sản tăng, điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù phân bón hóa học là cần thiết trong sản xuất nông nghiệp; song việc sử dụng quá mức có thể gây hại cho đất và môi trường", ông Bình phân tích.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sáng 29/10 |
Chuyển đổi chính sách thuế VAT giúp ngành phân bón nâng cao năng lực tự chủ, giảm phụ thuộc bên ngoài
Đại diện cho nhóm quan điểm ngược lại, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) thống nhất với phương án do Chính phủ trình, đó là đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo cơ hội đầu tư phát triển, nâng cao công nghệ, tạo công ăn việc làm, tự chủ về phân bón, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
"Doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào 5% đảm bảo tối ưu chi phí cơ hội, giảm giá phân bón cho nông dân, nông nghiệp, tạo sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay", ông Thanh nói.
Giơ biển tranh luận với đại biểu Thạch Phước Bình và đại biểu Phạm Thị Kiều, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không có tác hại như các đại biểu đã phân tích.
Theo ông Trịnh Xuân An, thuế VAT phải có tính chất luân hồi, đầu vào và đầu ra phải đi cùng với nhau, không có nguyên lý đầu ra không chịu thuế mà đầu vào lại khấu trừ.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) |
"Tôi nhớ từ khi chúng ta làm Luật 71 đưa thuế VAT từ 5% về không chịu thuế, hồi đó ý tưởng định đưa vào, sau đó sẽ tính khấu trừ đối với doanh nghiệp, về sau ta không được khấu trừ nữa thì vô hình chung rất bất lợi cho doanh nghiệp", đại biểu nói và nhấn mạnh, không phải cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%.
Mặt khác, đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phải bình đẳng với nhau. Việc áp dụng thuế 5% chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước được bảo vệ và người dân sẽ có cơ hội được giảm giá.
"Tôi vẫn bảo vệ quan điểm này và tôi đồng tình với cách giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông An nói.
Đáng lưu ý, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng ý phương án áp thuế VAT 5% cho phân bón mặc dù trước đó ông bảo vệ quan điểm ngược lại.
"Trước đây, quan điểm của tôi là nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi thấy thuế suất VAT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 chuyển thuế suất 5% sang không chịu thuế đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua, khiến nhóm này không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu", ông Hoà cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) |
Điều này, theo đại biểu, là không công bằng đối với sản xuất trong nước. Bởi vậy, ông đồng tình giải trình của Thường vụ là phải áp thuế suất 5% đối với ngành phân bón. "Ngành phân bón hiện nay là loại hình bình ổn giá, cho nên nếu phân bón có lên giá thì Quỹ bình ổn giá của Nhà nước sẽ chi ra để đảm bảo phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua", đại biểu nói.
Cũng bày tỏ sự tán thành với quy định của dự thảo Luật về mức thuế suất 5% đối với phân bón, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và tiêu chí là tự lực, tự chủ, tự cường; song hàng loạt lĩnh vực của chúng ta đang phụ thuộc vào nhập khẩu rất cao như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, dược phẩm...
Thậm chí sẽ có một làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập vào chúng ta khiến ngành phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y của chúng ta không tồn tại được.
"Nếu thị trường thế giới biến động, họ tăng giá thì chúng ta cũng bị biến động, cũng phải tăng hay sao?", đại biểu nêu vấn đề và đề nghị, cần chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
"Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ chúng ta có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng", ông Nghĩa nói.
Trước đó, trình bày biên bản tiếp thu, giải trình dự án Luật, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế VAT số 71, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế, đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Đặc biệt, trước xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã phải đóng cửa.
Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nghĩa là chuyển phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế VAT 5%.
Ông Mạnh cũng nói thêm rằng, việc doanh nghiệp phân bón được nộp thuế VAT sẽ khiến họ được khấu trừ hoặc hoàn thuế VAT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Doanh nghiệp phân bón nhập khẩu (chỉ chiếm 27% thị phần trong nước) sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá và phải giảm theo.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Bộ Tài chính kiến nghị, cần phải sửa Điều 15 trong dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi.
Theo ông Phụng nên bỏ từ “chỉ" trong cụm “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
Theo vị chuyên gia, quy định này có thể hiểu là doanh nghiệp chỉ có 1 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.
"Theo quy định này, một doanh nghiệp sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì sẽ không được hoàn thuế; trong khi doanh nghiệp khác chỉ sản xuất phân bón lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề", ông Phụng nói.