Lợi nhuận quý III: Lớn giảm, nhỏ tăng
Thị trường phân bón Việt Nam có mức độ tập trung thấp, với 5 công ty hàng đầu chiếm khoảng 28% thị phần; trong đó, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) nắm giữ khoảng 15% thị phần. Các doanh nghiệp lớn khác bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Công ty cổ phần DAP - Vinachem (mã chứng khoán DDV).
Tuy nhiên, trong quý III/2023, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đạm Phú Mỹ cho biết, trong quý III/2023, Tổng công ty đạt doanh thu 3.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, lần lượt giảm giảm 20,7% và 93% so với cùng kỳ. Đây là quý mà Đạm Phú Mỹ có mức lãi thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Giá bán mặt hàng phân bón và hóa chất trong quý III năm nay giảm so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ sụt giảm. Cụ thể, giá bán urê giảm 35%, giá bán NH3 giảm 59%, trong khi giá khí tăng cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu 9.189 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 439 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 90% so với cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp hoàn thành được 59% chỉ tiêu doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại Đạm Cà Mau, quý III/2023 ghi nhận doanh thu 3.011 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế 74 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ. Đây là quý đầu tiên, Công ty đạt lợi nhuận dưới 100 tỷ đồng.
Lý giải đà giảm sâu của kết quả kinh doanh, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho hay, sản lượng tiêu thụ sản phẩm quý III năm nay tăng 36% so với cùng kỳ, nhưng giá bán các mặt hàng phân bón giảm đã kéo doanh thu xuống, trong khi giá vốn tăng mạnh. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng do Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đạm Cà Mau đạt doanh thu 9.036 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế 617 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ.
Ngành phân bón gặp nhiều khó khăn kể từ quý III/2022 đến nay, nhưng đang có tín hiệu khởi sắc trở lại.
Đạm Hà Bắc có kết quả kinh doanh tệ hơn khi quý III/2023 ghi nhận doanh thu 1.138 tỷ đồng, giảm 35%, còn lợi nhuận sau thuế âm 309 tỷ đồng, bởi giá vốn tăng 1%, chi phí tài chính tăng 35% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ ba liên tiếp, Đạm Hà Bắc ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.
Ngược lại, một số doanh nghiệp nhỏ trong ngành có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2023 như Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán BFC) đạt doanh thu 2.709 tỷ đồng, tăng 18,6%; lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng, gấp 19,8 lần cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn so với cùng kỳ là nhân tố chính giúp Công ty có lợi nhuận tốt trong quý III năm nay.
Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Phân bón Bình Điền có doanh thu 6.385 tỷ đồng, giảm 4,5%; lợi nhuận sau thuế 84,2 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán LAS) ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023, lần lượt đạt 811 tỷ đồng và 28,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% và 200% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu 2.891 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 94 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; cả doanh thu và lợi nhuận đều hoàn thành trên 90% kế hoạch năm.
Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (mã chứng khoán SFG) đạt doanh thu 421 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 26% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn giảm 27% và doanh thu tài chính tăng 4,2 lần, đồng thời ghi nhận hơn 1 tỷ đồng từ lợi nhuận khác nên lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của Phân bón miền Nam gấp 8,3 lần cùng kỳ, đạt 19 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đạt 1.140 tỷ đồng doanh thu và 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 36,6% và 13,3% so với cùng kỳ.
Triển vọng quý IV khả quan
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, giá urê toàn cầu dần hồi phục khi giá khí đốt tăng cao, chủ yếu do hoạt động đình công tại một số nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Úc và châu Âu dự kiến cần lượng khí đốt lớn hơn để phục vụ nhu cầu sưởi ấm trong mùa Đông. Bên cạnh đó, lệnh cấm xuất khẩu urê của Trung Quốc nhằm bình ổn thị trường nội địa khiến nguồn cung trên thế giới bị thắt chặt hơn. Ngoài ra, giá lương thực toàn cầu tăng được dự báo sẽ dẫn tới việc mở rộng hoạt động gieo trồng cây lương thực trong vụ Đông Xuân sắp tới, kéo theo nhu cầu về phân bón, đặc biệt là urê. Những yếu tố này mặc dù mang tính chất ngắn hạn, nhưng có khả năng hỗ trợ cho đà tăng giá urê, từ đó cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón.
Trong đó, tình hình kinh doanh của Đạm Cà Mau được dự báo sẽ cải thiện trong quý IV/2023 và năm 2024, nhất là khi nhà máy sản xuất urê hết khấu hao.
Mặt khác, theo Công ty Chứng khoán BIDV, trong quý III/2023, giá vốn của Đạm Cà Mau tăng chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu tăng 113% so với cùng kỳ và tăng 18% so với quý II khi doanh nghiệp tạm trích giá khí cao, ước tính đạt 14,6 USD/mmBTU, chi phí dự phòng là 84 tỷ đồng. Sang quý IV, khoản dự phòng phải trả chi phí khí dự kiến sẽ được hoàn nhập phần chênh lệch.
Xét rủi ro tỷ giá, nhóm doanh nghiệp phân bón ít chịu áp lực vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá urê trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giá urê nội địa được nhận định sẽ có biến động tương quan với giá thế giới. Giá urê trên thị trường thế giới có diễn biến tăng kể từ ngày 7/9/2023, khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê. Giá urê trong nước đến cuối năm 2023 được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng sẽ tăng khoảng 12% so với đầu năm.
VDSC cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất urê hàng đầu như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau có thể tận dụng cơ hội giá và nhu cầu urê tăng để đẩy mạnh sản lượng kinh doanh. Đối với Phân bón Bình Điền, do mức nền thấp nên sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục khả quan, tính chung nửa cuối năm 2023 có thể tăng 43% so với cùng kỳ.