Ngành nông nghiệp tự tin với mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả 6 tháng đầu năm sẽ tạo tiền đề để toàn ngành đạt các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.

Thặng dư thương mại tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; xuất khẩu thủy sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%...

Đóng góp vào kết quả này có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, trái cây và rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), với kim ngạch đạt 2,98 tỷ USD (tăng 32%); xuất khẩu hạt điều đạt 350.000 tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Xuất khẩu cà phê giảm về khối lượng (902.000 tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4%, nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6%.

Giai đoạn nửa đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi...

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng cao. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất là gỗ và sản phẩm gỗ (6,16 tỷ USD, tăng 22,5%); cà phê (3,14 tỷ USD, tăng 36,2%); rau quả và trái cây (2,42 tỷ USD, tăng 35,3%); gạo (2,31 tỷ USD, tăng 27%); tôm (1,43 tỷ USD, tăng 13,3%)...

Riêng trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ lập phương án giải ngân theo từng tháng, từng quý, với mục tiêu giải ngân tối đa vốn.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.935,4 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 8.428,7 tỷ đồng và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 1.506,6 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/6/2024, ước tính, Bộ đã giải ngân 46,8% kế hoạch (4.652 tỷ đồng).

“Đây là con số cao hơn mức 31,4% của 6 tháng đầu năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước”, ông Phùng Đức Tiến nói thêm.

Vững tin vào mục tiêu xuất khẩu 55 - 56 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, kết quả 6 tháng đầu năm sẽ tạo tiền đề để toàn ngành đạt các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.

“Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể đạt mức 55-56 tỷ USD trong năm nay, theo đúng mục tiêu Chính phủ giao”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhiều lần nhấn mạnh như vậy.

Nói thêm về tình hình trồng trọt, xuất khẩu lúa và rau quả trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, với những mặt hàng xuất khẩu lớn như cà phê, hồ tiêu, niên vụ 2023-2024 đã thu hoạch xong, nên các điều kiện thời tiết cực đoan sẽ không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trong nửa cuối năm 2024.

Với mặt hàng trồng trọt, thu hoạch và xuất khẩu ngay, như lúa gạo hay rau quả, ông Cường nhận định, nếu không có thời tiết, dịch bệnh bất thường trên diện rộng, Việt Nam hoàn toàn đảm bảo mục tiêu phấn đấu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra trong năm 2024.

Riêng với mặt hàng lúa gạo, do tác động của thời tiết cực đoan, Việt Nam vẫn thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ đông - xuân là vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn mặn, nhưng sản lượng vẫn tăng 0,7%, đạt 20,3 triệu tấn.

“Trong nửa cuối năm 2024, Bộ tập trung chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè - thu, vụ thu - đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Vì đây là đề án lớn, cần nhiều bước đi phù hợp, nên Đề án chưa thể tác động đến hoạt động xuất khẩu lúa gạo trong năm nay. Tuy nhiên, đại diện Cục Trồng trọt cho biết đang xây dựng giải pháp kỹ thuật cụ thể về vấn đề canh tác, phát triển hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định lượng phát thải carbon (MRV), cũng như tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các mô hình điểm ở một số địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ có thể triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa phát thải thấp trong tương lai.

“Quan điểm của chúng tôi là, để phát triển bền vững, không thể làm những gì mang tính thử nghiệm trên người nông dân. Tất cả giải pháp kỹ thuật của đề án này nói riêng và giải pháp của Bộ đưa ra nói chung, đều phải đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và chắc chắn”, ông Nguyễn Như Cường thông tin thêm.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục