Ngành nông nghiệp tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Dù đối diện với nhiều áp lực, nhưng ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý I/2024.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng trưởng quý I tạo tiền đề để toàn ngành tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm nay.

Quý I vừa qua, ngành nông nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, các nhóm ngành hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm ngoái, thì hiện nay đã tăng trưởng trở lại. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả này?

Quý I/2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với áp lực rất lớn là xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, một số lô hàng xuất khẩu bị đối tác trả về. Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề phổ quát, do đó, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản là 2,98% trong quý đầu năm, là mức cao được ghi nhận trong nhiều năm qua.

Các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp trong quý I đạt 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%, chiếm 41,5% tổng thặng dư thương mại toàn nền kinh tế.

Một tín hiệu vui là các mặt hàng có sự sụt giảm trong năm ngoái, thì nay đã có dấu hiệu tích cực, nhờ vào gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý I đạt 1,86 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ; lâm sản đạt 3,61 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Ngành nông nghiệp hiện có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gỗ (2,32 tỷ USD, tăng 26,8%); rau quả (1,23 tỷ USD, tăng 25,8%); gạo (1,37 tỷ USD, tăng 40%); cà phê (1,9 tỷ USD, tăng 54,2%).

Đây là những dấu hiệu tích cực để ngành có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm nay.

Đó là kết quả quý I, còn quý II, khi nhiều trái cây chủ lực vào vụ thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tiêu thụ ra sao. Đặc biệt, Bộ sẽ khai thác thị trường Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc, chúng ta có lợi thế về logistics và hai bên đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản. Hiện với mặt hàng sầu riêng đông lạnh, tôm và dừa tươi, Việt Nam chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chỉ chờ ngày 2 bên cùng ký nghị định thư. Nếu thành công, nông sản Việt Nam sẽ có lợi thế lớn tại thị trường tỷ dân này.

Trong quý I vừa qua, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 20,2%, Mỹ chiếm 19,9%, Nhật Bản chiếm 7%, Philippines khoảng 4,3%, Hàn Quốc 3,7%. Đây là những thị trường mà nông sản Việt Nam có lợi thế lớn, chúng ta cần tăng cường tái cơ cấu để có vùng nguyên liệu, chủ động gắn với chế biến, nâng cao giá trị. Đi kèm với các hoạt động xúc tiến thương mại, tôi tin, Việt Nam sẽ có một năm xuất khẩu nông sản thuận lợi, đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Nói đến rau quả, thời gian qua, Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam xuất sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định. Đây là chỉ thống kê số lượng tính từ thời điểm Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, tức từ ngày 17/9/2022. Thưa ông, các địa phương cũng như doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Để phát triển bền vững, tăng trưởng cả về năng suất lẫn chất lượng, việc đầu tiên cần làm là phải có vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, sau đó đến quá trình sơ chế, chế biến, cùng hoạt động xúc tiến thương mại. Trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo xuyên suốt vấn đề này. Càng xuất khẩu nhiều, chúng ta càng phải chú ý đến chất lượng, chú ý thương hiệu, không để vì một lý do nào đó mà cả nhóm ngành đều bị ảnh hưởng.

Riêng với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt hàng tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD vào năm 2022. Khi cây ra trái, cadimi có thể ở trong đất, trong nước tưới. Bộ đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường Trung Quốc nói riêng, cũng như các thị trường khác nói chung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch gì để xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài trong quý II/2024 không, thưa ông?

Với những thị trường quen thuộc, muốn đi sâu thì chúng ta phải xúc tiến thương mại liên tục, quyết liệt, nhưng theo quy định, một năm lãnh đạo Bộ không được đi công tác nước ngoài quá hai lần. Nhiều thị trường hết nhiệm kỳ có khi chỉ được được một lần, nên cũng khó.

Tin vui là ngày 2/5 tới đây, Việt Nam sẽ xuất khẩu lô sản phẩm thuốc thú y đầu tiên vào thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo), ngày 18/5 sẽ xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên. Đó là 2 quốc gia ở châu Phi.

Halal là thị trường tiềm năng, lên tới 2,2 tỷ người, nhưng các quốc gia chưa thừa nhận chứng chỉ Halal của nhau, nên phải xuất sang từng thị trường. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Halal.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục