Vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất lợi của thị trường, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 vẫn đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại toàn ngành tăng 30%, đạt 8,5 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả xuất khẩu của năm 2022 trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào biến động, nhiều loại vật tư, nguyên liệu tăng giá mạnh, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng...,đã cho thấy ngành nông nghiệp đã thích ứng với các diễn biến không thuận của thị trường để cán đích vượt xa chỉ tiêu được giao, tạo nên một kỷ lục mới. Đầu năm nay, nông nghiệp được giao nhiệm vụ xuất khẩu 50 tỷ USD.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính trong năm qua đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.
Năm 2022, thủy sản lần đầu tiên gia nhập các nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, cùng với 7 mặt hàng khác như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép...
Việt Nam tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đó là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD.
Nhiều nhóm mặt hàng thiết lập kỷ lục xuất khẩu mới. Đơn cử, xuất khẩu lâm sản 16,93 tỷ USD; xuất khẩu thuỷ sản bội thu khi đạt 10,92 tỷ USD, trong đó cá tra, tôm, cá ngừ; gạo đạt 3,49 tỷ USD vượt mục tiêu đề ra (3,2-3,3 tỷ USD).
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại..., các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa hiệu quả...đã giúp ngành nông nghiệp có được kỳ tích xuất khẩu trong năm 2022.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong năm tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thành Nam, cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nga, Brazil.., tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi để tăng tốc xuất khẩu.
Với việc thực thi tổng thể các giải pháp về hỗ trợ ngành hàng tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn cao, mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD trong năm 2023.