Ngành logistics có nhiều cơ hội từ các FTA

(ĐTCK) Các FTA đang mang đến nhiều hơn cơ hội để ngành logistics Việt Nam vươn mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những chia sẻ về vấn đề này. Bình Minh thực hiện.
Ngành logistics có nhiều cơ hội từ các FTA

Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, theo ông, mức độ tác động tới ngành logistics Việt Nam có thể định hình thế nào?

Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 13 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng và là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn. Theo đó, ngành logistics sẽ phát triển nhờ các cam kết của FTA, trong đó có cơ hội về nguồn cung - cầu cũng như điều kiện để dịch vụ này có thể thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, cam kết phân theo các phân ngành trong FTA đi vào ngành vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt…, có dịch vụ được mở cửa hoàn toàn, cũng có những lĩnh vực rất ít, với ràng buộc trong liên doanh.

Ông Lê Tuấn Anh. Ảnh: Bình Minh.

Ông Lê Tuấn Anh. Ảnh: Bình Minh.

Các FTA mang đến nhiều cơ hội, nhưng không phải là không có thách thức?

Chúng tôi cho rằng, các hiệp định thương mại tự do sẽ mang đến một số tác động tích cực, như: Tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính; Gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics; Tăng quy mô thị trường logistics do tăng hoạt động xuất - nhập khẩu; Thu hút đầu tư từ các nước.

Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng xuất hiện cả các động tiêu cực, như mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gay gắt hơn. Hay việc hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế.

Theo ông, các doanh nghiệp cần tập trung cải thiện yếu tố nào để tham gia tốt hơn vào sân chơi này?

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam. Để tận dụng tốt cơ hội, một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế.

Còn cơ hội thu hút dòng vốn ngoại cho lĩnh vực này thì sao, thưa ông?

Theo tôi, cơ hội là rất lớn. Ví dụ trong cam kết của Hiệp định EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam… Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.

Nếu so sánh giữa doanh nghiệp logistics nội và ngoại, đâu là khác biệt chính?

Hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó 70% có trụ sở ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.

Trong khi đó, thế mạnh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự lành nghề… Vì thế, khi thực thi FTA với những cam kết liên quan đến lĩnh vực logistics vốn là thế mạnh của các bên, sẽ không có chuyện doanh nghiệp logistics nội kém năng lực cạnh tranh trước doanh nghiệp ngoại.

Bên cạnh đó, trong từng chuỗi logistics cũng cho thấy năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay, đến 90% cảng biển Việt Nam là do doanh nghiệp trong nước khai thác. Đây chính là lợi thế giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics, tạo điều kiện liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Có xu hướng nào của ngành đang diễn ra trên bình diện toàn cầu mà chúng ta cần lưu ý?

Đại dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác đã tạo nên các xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Với mục đích của các doanh nghiệp là tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ xung đột chính trị và chiến tranh thương mại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác là xu hướng khách quan đã và đang diễn ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển theo 3 hướng chính:

Dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư, thường gắn với hoạt động sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hoá chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia.

Tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hoá nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp nhằm phân tán rủi ro, như đặt hàng mua nguyên vật liệu, linh kiện từ nhiều nhà cung ứng tại các nước khác nhau.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Vậy còn cơ hội của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh này là gì?

Dù kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt không ít khó khăn, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, nhất là khi các nước tăng cường chuyển dịch, đa dạng chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp xoay trục. Khi cạnh tranh địa chính trị giữa các nước gia tăng, nhiều công ty đang chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là một trong các điểm đến. Việt Nam đang tích cực mở cửa, tranh thủ cơ hội từ cạnh tranh các nước để thu hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Các công ty đa quốc gia toàn cầu đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng do lo ngại các căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi và được ưu tiên trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Việt Nam cũng nhận được các khoản đầu tư nước ngoài trong việc kết nối chuỗi cung ứng, với vị thế là một trung tâm thương mại và sản xuất.

Cùng với sự chuyển dịch trên, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn về sự đổi mới và số hóa. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất, trong bối cảnh các doanh nghiệp đa dạng hóa, tăng cường chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Để khuyến khích các nhà sản xuất dịch chuyển đến Việt Nam, đất nước cần tiếp tục thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã củng cố được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và tiềm năng. Lợi thế của Việt Nam bao gồm chi phí lao động thấp; vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á và gần Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; dân số trẻ, dân trí cao; Chính phủ luôn tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ kinh doanh và pháp luật lao động, cũng như khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Ngoài các yếu tố trên, theo ông, đâu là những yếu tố bổ trợ cho năng lực ngành?

Nhằm tăng cường hơn nữa lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với một số đối tác quốc tế. Các hiệp định này giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan tại các thị trường.

Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam tương tự các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực ASEAN. Bắt đầu bằng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các công ty nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không được phụ thuộc vào một nguồn duy nhất, ở vị trí gần hơn các thị trường đích, đồng thời tăng khả năng phục hồi sau những gián đoạn.

Cùng với dân số trẻ, chuộng công nghệ, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số, đô thị hóa và các dự án cơ sở hạ tầng, góp phần củng cố vai trò của Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.

Để hỗ trợ ngành logistics phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào những nội dung hành động nào?

Để tiếp tục thu hút, thúc đẩy các hoạt động logistics, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào các giải pháp:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ hai, tiếp tục lồng ghép quy hoạch logistics vào quy hoạch các vùng, các địa phương.

Thứ ba, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các biểu mẫu của ngành thống kê, giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mặt kinh doanh.

Hội nghị Logistics 2023

Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn InterContinental Saigon vào thứ Năm (5/10/2023).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời quốc tế và trong nước, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…

Thông tin Hội nghị sẽ xuất hiện trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư và Báo điện tử Đầu tư, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục