Ngành kho lạnh “nóng rẫy”

(ĐTCK) Ngành kho lạnh tại Việt Nam ước tính có quy mô 169 triệu USD vào năm 2019, nhờ sự phát triển của công nghiệp chế biến và ngành bán lẻ.
Ngành kho lạnh “nóng rẫy”

Tăng trưởng nhanh nhờ sự phát triển của ngành bán lẻ

Mới đây, Vietnam Holding Limited - một quỹ đầu tư được quản lý bởi Dynam Capital, Ltd - đã chi 139,8 tỷ đồng (tương đương 6 triệu USD) để trở thành trái chủ duy nhất trong đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của CTCP Giải pháp thương mại A Ba (ABA Cooltrans).

ABA Cooltrans là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các giải pháp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng kho lạnh. Công ty này hiện sở hữu 300 xe tải đông lạnh và hơn 40.000 vị trí pallet kho lạnh tại Hà Nội và TP.HCM. Triển vọng của ngành kho lạnh giúp ABA Cootrans hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Theo khảo sát của FiinGroup, hiện Việt Nam có hơn 700 xe vận chuyển lạnh và hơn 600.000 pallet kho lạnh. Vận tải lạnh ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng. Năm 2018, khoảng 11% lưu lượng container qua cảng biển tại Việt Nam (tương đương 2 triệu TEUs) là các container lạnh. Sự gia tăng khối lượng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm liên quan cũng như xuất khẩu hải sản là những yếu tố chính dẫn đến hiệu quả tốt của dịch vụ vận chuyển lạnh cho container trong vài năm qua.

Nhờ nhu cầu gia tăng của bán lẻ thương mại hiện đại, chuỗi dịch vụ thực phẩm, nhu cầu vận chuyển hàng lạnh bằng xe tải đông lạnh tăng trưởng tốt, với sự mở rộng của các công ty hàng đầu như ABA Cooltrans, Bình Minh Tai, KonoikeVina…

Thị trường dịch vụ kho lạnh cũng ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước sang phân khúc kho lạnh. Ðà tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự mở rộng mạnh mẽ của hoạt động bán lẻ hiện đại, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi và chuỗi dịch vụ thực phẩm.

Kho lạnh Hoàng Lai của Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Lai được giới thiệu có sức chứa lớn nhất tại TP.HCM hiện nay, với hệ thống kho lạnh bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu có tổng công suất trên 50.000 tấn, được chia thành nhiều kho độc lập với sức chứa từ 500 - 6.000 tấn. Còn hệ thống kho lạnh của Phan Duy có sức chứa hơn 30.000 tấn với nhiều kho độc lập cho phép cài nhiệt độ từ +15 độ C đến -25 độ C bằng máy tính, thích hợp để lưu trữ rau củ, hoa quả, thủy hải sản…

Cùng với nhu cầu lưu trữ lạnh tăng cao, nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là các công ty nước ngoài như CLK, Anpha có kế hoạch đầu tư mới với tổng công suất bổ sung xấp xỉ 60.000 pallet trong giai đoạn 2019 - 2023.

Lợi nhuận tốt, tiềm năng lớn

Theo khảo sát của FiinGroup, tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp trong phân khúc chuỗi lạnh có biên lợi nhuận gộp là 24%, biên lợi nhuận ròng 19%. Trong đó, biên lợi nhuận ròng của nhóm vận chuyển đạt 17%, kho lạnh đạt 16%, trung bình của ngành là 11%.

Các doanh nghiệp lớn, với các dịch vụ đa dạng ngoài chuỗi lạnh, bao gồm kho ngoại quan, thủ tục hải quan của dịch vụ bốc xếp với lượng khách hàng và chuyên môn đáng kể có tỷ suất sinh lời ấn tượng hơn, nhờ kiểm soát chi phí tốt hơn.

Ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc ABA Cooltrans cho biết, tốc độ phát triển của ngành kho lạnh Việt Nam tương quan trực tiếp với nhu cầu thực phẩm tươi sống và an toàn ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhiệt độ xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng lạnh đòi hỏi chi phí đầu tư cho chuỗi cung ứng lạnh lớn hơn nhiều so với đầu tư các chuỗi cung ứng thông thường.

Ðánh giá về tiềm năng của ngành cung ứng lạnh, ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dynam Capital cho rằng, trong xã hội ngày nay, việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm xuyên suốt chuỗi cung ứng “từ trang trại đến bàn ăn” ngày càng trở nên quan trọng. Yếu tố này góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh tích hợp.

Ngành logistic đang được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết, khi nhu cầu vận chuyển, kho bãi tăng cao theo kim ngạch xuất - nhập khẩu.

Tại hội thảo về logistic do Ðại học RMIT tổ chức cách đây không lâu, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp logistic Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đặc biệt đầu tư vào hạ tầng, ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao năng lực để sẵn sàng chớp lấy cơ hội trong tương lai Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới. Ngành cung ứng lạnh của Việt Nam theo đó sẽ ghi nhận đà tăng trưởng mạnh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục